(kontumtv.vn) – Từ khi Cù Lao Chàm (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được tập trung mạnh mẽ và vận hành theo mô hình đồng quản lý với sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Nhờ vậy, những giá trị văn hóa lâu đời và cảnh quan thiên nhiên xã đảo luôn được gìn giữ và phát triển qua nhiều năm. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển, khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng đang phải chịu áp lực lớn cần được điều chỉnh để bảo vệ hòn đảo xinh đẹp này phát triển bền vững trong tương lai.

Cù Lao Chàm là xã đảo được biết đến với nhiều dự án bảo vệ môi trường nổi tiếng như: nói không với túi ni lon, giảm thiểu ống hút nhựa, phân loại rác tại nguồn… và nhiều dự án nghiên cứu, phục hồi hệ sinh thái biển như: chuyển vị rùa biển, phục rồi rạng san hô. Nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền và ý thức của người dân, hầu hết các dự án được thực hiện thành công và mang lại kết quả khả quan. Anh Hồ Quang Văn, người dân xã đảo Cù Lao Chàm nói: “Du lịch phát triển thì kinh tế của xã đảo này cũng phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân ở xã đảo. Ngoài ra, ở xã đảo có việc: Nói không với  việc sử dụng túi ni lon, người dân thực hiện rất tốt, khi đi chợ thì họ xách giỏ chứ không sử dụng túi ni lon cũng như rất giữ gìn sạch biển”.

Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách
Cù Lao Chàm ngày càng thu hút du khách

Thống kê cho thấy, nếu năm 2009, lượng khách đến với Cù Lao Chàm chỉ đạt hơn 20.000 lượt thì đến tháng 10-2018 con số này đã tăng đến khoảng 400.000 lượt, thu nhập bình quân đầu người dân trên đảo tăng cao. Từ một địa phương dựa vào kinh tế nông nghiệp là chính đã chuyển mình trở thành một địa phương du lịch phát triển năng động. Cùng với đó, hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh, đường quốc phòng cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Tuy vậy, công tác bảo tồn Cù Lao Chàm cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, Hoạt động của du lịch và khai thác tài nguyên quá tải gây xáo trộn hệ sinh thái thảm cỏ biển, dẫn đến tình trạng suy giảm nguồn lợi tự nhiên, ô nhiễm môi trường. Bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Thách thức hiện nay là sự khai thác quá mức của người dân địa phương từ nơi khác đến làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm và có nguy cơ cạn kiệt. Ngoài ra, ô nhiễm từ rác thải do du khách mang đến cũng gây ảnh hưởng lớn đến Cù Lao Chàm”.

Theo các chuyên qua, Quảng Nam cần có sự quản lý chặt chẽ và đề cao tính phối hợp giữa các cấp trong việc gìn giữ, bảo tồn hệ sinh thái rừng, biển một cách bền vững; nâng cao vai trò tham gia của người dân trong chuỗi giá trị của du lịch Cù Lao Chàm. Đồng thời xây dựng quy hoạch phát triển Cù Lao Chàm dựa trên cơ sở vùng đặc thù nhạy cảm cao về môi trường là hết sức cần thiết. Ông Lodovi Coruggeri, Công ty TNHH Du lịch Hải Bàn, thành phố Hội An nói: “Theo tôi tất cả các bên liên quan, chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải ngồi lại với nhau để cùng thống nhất giải pháp trong tương lai bảo vệ Cù Lao Chàm, chúng ta không nên nói nhiều mà nên hành động và xem Cù lao Chàm là tài nguyên chung, đừng nghĩ đến số lượng du khách mà nghĩ đến chất lượng để phát triển bền vững khu sinh quyển xinh đẹp này”.

 “Trong điều kiện hiện nay, những giải pháp đưa ra phải phù hợp đồng thời cũng phải dự báo được sự phát triển trong tương lai của Cù Lao Chàm như thế nào trong mối quan hệ. Tôi cho rằng, không chỉ trong phạm vi 15km vuông ở 8 đảo của Cù Lao Chàm mà chúng ta phải tính cả 1 hệ sinh thái từ Sơn Trà, Đà Nẵng vào Lý Sơn của Quảng Ngãi, vì cả hệ biển này có quan hệ gắn kết với nhau”. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Để Cù Lao Chàm xứng đáng là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nhất thiết phải chú tâm và thống nhất trong hành động, gắn kết sự phát triển bền vững với bảo tồn hữu hiệu những giá trị của Khu sinh quyển của nhân loại.

Dương Oanh – Tấn Châu

Đài PT-TH Quảng Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *