(kontumtv.vn) – Chỉ với 2 sợi cáp bắc qua sông, một cái ròng rọc và một đoạn dây dù thì người già, thanh niên, kể cả trẻ em ở xã Đăk Nông và một số hộ dân ở thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi có thể đu dây vượt sông Pô Kô để mưu sinh, mặc cho nguy hiểm luôn rình rập.

Nhà ông Nông Văn Lập (thôn 7 thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi) có hơn 8 ha cao su, cà phê ở bên kia sông Pô Kô, thuộc địa phận xã Đăk Ang. Trước đây, khi còn cây cầu treo bằng gỗ ở thôn Tà Poók, xã Đắk Nông nối qua xã Đăk Ang, việc vận chuyển nông sản của gia đình rất dễ dàng. Ông Lập cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 9, nước lũ đổ về cuốn trôi cây cầu, giờ đây, gia đình ông phải dùng dây cáp, ròng rọc đu dây vượt sông thu hoạch và vận chuyển nông sản: “Giờ không có cầu đi lại, chạy qua cáp treo này thôi. Hôm nào cũng qua cáp này hết à, sáng sớm chuyển xe qua bên đó, chiều chuyển về”.

Người dân đu dây qua sông
Người dân đu dây qua sông

Ngoài gia đình ông Lập, hiện các hộ dân ở thôn Tà Poók, thôn Kà Nhảy xã Đăk Nông cũng vượt sông Pô Kô bằng cách này. Các hộ dân cho biết, diện tích cà phê, cao su, mì chủ yếu nằm ở địa phận xã Đăk Ang, bên kia sông Pô Kô và hiện đang thời điểm thu hoạch. Do cầu treo bị nước lũ cuốn trôi, không còn cách nào khác bà con phải góp tiền mua dây cáp và cùng nhau làm hệ thống cáp treo, mỗi hộ tự trang bị cho mình 1 cái ròng rọc với giá khoảng 200.000đ đến 500.000đ và dây dù. Chỉ với những dụng cụ đơn giản, người già, thanh niên, kể cả trẻ em và nông sản, phương tiện trong làng đều qua sông bằng cách đu dây. Anh A Phia (thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) nói: “Anh em ở Kà Nhảy qua bên đó canh tác thôi, trồng lúa, mì, cà phê, còn trâu bò nữa. Giờ không có cầu phải bắt buộc đi thế này thôi. Mong muốn Nhà nước sớm làm cầu treo cho bà con đi qua lại làm rẫy, làm nương, mì bên kia còn nhiều lắm”.

Mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhưng người dân vẫn bất chấp nguy hiểm, liều mình đu dây để vượt sông. Anh A Thuộc (thôn Kà Nhảy, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi) cho biết, nước sông rất sâu, nhiều người đu dây ra bị treo lơ lửng giữa chừng phải có người kéo vào, nhưng đành chấp nhận vì đi đường vòng xa hơn 20 km, chi phí vận chuyển nông sản sẽ cao hơn nhiều: “Bên kia gia đình trồng mì, cao su. Đi qua bắt buộc phải qua, nước sâu, cũng vì cuộc sống mưu sinh mình bắt buộc phải qua sông này”.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 9, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 6 cây cầu treo dân sinh bị nước lũ cuốn trôi và làm hư hỏng, gây khó khăn đến việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân. Trước những khó khăn này, huyện đang tiến hành sửa chữa lại 2 cầu treo ở xã Đăk Ang và kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí để khắc phục. Đồng thời, huyện chủ động lập thủ tục đầu tư và huy động các nguồn lực sớm xây dựng 2 cây cầu mới bắc qua sông Pô Kô, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại sản xuất.

Ngọc Chí – Công Luận 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *