(kontumtv.vn) – Việt Nam mới bước vào vị trí quốc gia có thu nhập trung bình được vài năm và vẫn đang là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên, gia công và lắp ráp.  Mặc dù có lợi thế cơ cấu dân số vàng, nhưng nếu không thay đổi sớm, Việt Nam có thể “chưa giàu đã già”.

Đó là cảnh báo của nhiều chuyên gia kinh tế khi mổ xẻ tại cuộc hội thảo về “Bẫy thu nhập trung bình” do Ban Kinh tế Trung ương và Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức sáng 15/4.

Quá sớm để chấp nhận tăng trưởng thấp

Năm 2008, Việt Nam đặt bước chân đầu tiên vào nhóm những nước có thu nhập trung bình, thoát khỏi trạng thái kém phát triển. Mức thu nhập bình quân cũng tăng nhanh trông thấy, từ con số 1.086 USD/người năm 2010 đã tăng lên 1.960 USD/người  năm 2013.

Giáo sư Kenichi Ohno (Nhật Bản), Giám đốc Dự án Diễn đàn Phát triển Việt Nam lo ngại, kể từ khi bước lên nấc thang cao hơn thì các dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình ở Việt Nam lại trở nên rõ ràng hơn.

Ông tóm lược: Tăng trưởng ngày càng chậm, năng suất kém, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chỉ mang tính hình thức, các chỉ số xếp hạng toàn cầu vẫn trì trệ.

Thu-nhập-trung-bình, năng-suất, hiệu-quả, tụt-lậu, tăng-trưởng, giàu-nghèo, cải-cách-kinh-tế, tái-cơ-cấu, DNNN, kinh-tế-tư-nhân
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại trong 3 năm qua (ảnh: P.H)

Cùng đó, các vấn đề nảy sinh do tăng trưởng gây ra đều đã hiện hữu ở Việt Nam như lạm phát, bong bóng bất động sản, tắc nghẽn giao thông, môi trường, tham nhũng.

Ông chia sẻ, với mức thu nhập trung bình thấp như vậy thì còn quá sớm để chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ở Indonesia, Chính phủ nước này đã thấy rằng, tăng trưởng dưới 6% là mức không thể chấp nhận được, vì khiến cho tình trạng thất nghiệp và các vấn đề xã hội khác trở nên tồi tệ hơn. Liệu Việt Nam có như vậy không?

Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số ở độ tuổi lao động trẻ. Điều này sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế hàng năm. Nhưng hiện nay, dân số Việt Nam đang già đi.

“Nếu vẫn giữ tình trạng như hiện nay , rất có thể, Việt Nam sẽ rơi vào cảnh chưa giàu đã già”, GS Ohno cảnh báo.

Năm 2008, thời điểm Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ “cất cánh bay lên”, hoặc sẽ như một “ngôi sao mới”, hay sẽ trở thành con rồng châu Á thì nguy cơ bẫy thu nhập trung bình trong tương lai cũng đã được cảnh báo.

“Đến nay, tôi có thể nói rằng, Việt Nam đang rơi vào bẫy này”, vị giáo sư người Nhật đã có 20 năm nghiên cứu về Việt Nam khẳng định.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng thẳng thắn, “ta hãy còn sĩ diện khi nói thẳng vào vấn đề này. Theo tôi là chúng ta ta đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình rồi”.

“Sau 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế của ta vẫn là khai thác tài nguyên, gia công dệt may với gia giày và lắp ráp. Chúng ta xác định quan điểm là một nước công nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhưng thực chất, lại không rõ công nghiệp hiện đại, công nghệ cao là như thế nào? Cả 3 nhóm chủ lực nhất của một nền kinh tế công nghiệp đều ở đẳng cấp thấp. Tình trạng này còn có thể kéo dài nữa”, TS Thiên phân tích.

Bắt đầu từ năng suất và công nghệ

Ngưỡng để một quốc gia bị coi là rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới là kẹt cứng vị trí này trong 28 năm và ngưỡng thời gian rơi vào bẫy thu nhập trung bình cao là 14 năm.

Theo GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đai học Kinh tế quốc dân, với mức thu nhập khoảng 2.000 USD/người như Việt Nam, muốn vượt bẫy thu nhập trung bình thì trong vòng 28 năm, phải có tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người ít nhất là 4,7%/năm.

Thu-nhập-trung-bình, năng-suất, hiệu-quả, tụt-lậu, tăng-trưởng, giàu-nghèo, cải-cách-kinh-tế, tái-cơ-cấu, DNNN, kinh-tế-tư-nhân
Dậm chân làm gia công, Việt Nam khó thoát bẫy thu nhập trung bình (ảnh: P.H)

Để tránh được cái bẫy đó, GS Ohno cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy chính sách.

“Chính phủ nên chuyển từ các cuộc thảo luận bất tận sang kế hoạch hành động và giám sát cụ thể với thời hạn rõ ràng, kèm theo đó là học hỏi các mô hình thành công trên thế giới”, vị chuyên gia kinh tế người Nhật từng có 20 năm nghiên cứu về Việt Nam khuyến nghị.

Theo ông, Chính phủ cần tập trung vào vấn đề năng suất và chuyển giao công nghệ. Hai yếu tố căn bản để tăng trưởng kinh tế bứt phá về chất này vẫn đang rất yếu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, về công nghệ, Việt Nam không nên nhảy cóc. Việt Nam cần bắt đầu từ công nghệ cơ bản và phát triển dần dần. Trong đó, Chính phủ có thể tận dụng nguồn lực FDI hiện có.

Nhân kiến nghị này, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược, Bộ Kế hoạch và đầu tư nghi ngại: “Chúng ta đang rất không hay về FDI. Điều quan trọng là chuyển giao công nghệ từ khu vực này đã không đạt được. Chỉ có 5% FDI là chuyển giao công nghệ cao, 15% là công nghệ trung bình, hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu. Do đó, giá trị gia tăng chỉ tạo ra 20%, giá trị nội địa còn chừa 10%”.

“Làm sao có thể dựa vào FDI để vượt qua bẫy thu nhập trung bình được

Chúng ta phải xoay chuyển lại, gắn với sức mạnh hợp tác quốc tế, từ nguồn vốn, con người, thể chế. Trong đó, thể chế là quyết định”, TS Hồ nói.

Giáo sư Vương Đình Huệ, Trưởng Ban kinh tế Trung ương cho biết, bẫy thu nhập trung bình là tình huống tiến thoái lưỡng nan trong xây dựng và phát triển chính sách kinh tế. Vướng vào bẫy này thì các hiệu quả của sự nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ bị suy giảm.

“Việt Nam mới gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng cũng sẽ phải quan tâm để sớm tránh bẫy này”, GS Huệ nhấn mạnh.

Nói như TS Lưu Bích Hồ, theo tiêu chuẩn thì chúng ta còn 28 năm nữa để xoay chuyển, cải thiện tình hình, tránh khỏi bị sập bẫy thu nhập trung bình.

Phạm Huyền/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *