(kontumtv.vn) –  Cùng với xây dựng lực lượng tinh nhuệ, hiện đại, Bộ đội Biên phòng Kon Tum đã chú trọng xây dựng các thôn, làng khu vực biên giới mạnh về kinh tế- xã hội, vững về an ninh chính trị, xem đây là cơ sở để bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền của Tổ quốc.

Nhìn khung cảnh làng văn hóa Rờ Kơi (Rờ Kơi, Sa Thầy, Kon Tum) hôm nay, ít người biết rằng cách đây mười năm, khu dân cư biên giới này có gần 100% hộ gia đình thuộc diện nghèo. Lúc bấy giờ, đời sống của bà con vô cùng vất vả, khi chưa thoát được lối canh tác cũ, lạc hậu. Đến nay, hơn 80% trong tổng số 400 hộ của làng Rờ Kơi đã thoát nghèo, 100 % hộ gia đình là thành viên của nhóm, đội tự quản đường biên, cột mốc. Sự đổi thay này có vai trò rất lớn của BĐBP. Ông A Im, Bí thư Chi bộ thôn Rờ Kơi nói: “10 năm trước, dân làng Rờ Kơi rất khó khăn. Về kinh tế chủ yếu là phát rừng, chọc tỉa. Sau 10 năm đã thay đổi, có nhà, có đường, trường trạm, ốm đau đến trạm xá chữa bệnh. Bên cạnh chủ trương của Đảng, Nhà nước quan tâm, có công của BĐBP chỉ bảo cách làm ăn, chỉ bảo cách vệ sinh môi trường, quan tâm đường làng ngõ xóm”.

BĐBP về làng giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa
BĐBP về làng giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa

10 năm trước, gia đình A Uy tuy có nhiều đất sản xuất, nhưng vẫn nghèo do không biết cách lao động sản xuất. Có lần A Uy vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội mua bò chăn nuôi, nhưng bò chết do dịch bệnh. A Uy càng thêm khó khăn vì không thể trả nợ ngân hàng. Năm 2006, Đồn Biên phòng Rờ Kơi phân công bộ đội Dũng về giúp đỡ gia đình A Uy. Đến nay, kinh tế gia đình A Uy đã ổn định. Căn nhà cũ bằng tranh tre, nứa lá giờ được thay thế bằng ngôi nhà cấp 4 khang trang, thoáng mát.

Từ mô hình đảng viên kết nghĩa giúp hộ nghèo tại xã biên giới Rờ Kơi, Đảng ủy Biên phòng Kon Tum đã xây dựng Kế hoạch số 15 để nhân rộng mô hình này ra 13 xã thuộc 4 huyện biên giới trong toàn tỉnh. Đây là việc bộ đội biên phòng Kon Tum cụ thể hóa vào thực tiễn Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nghị quyết của Quân ủy Trung ương và Quy chế số 11 của Tỉnh ủy Kon Tum về công tác dân vận trong tình hình mới. Đại tá Lê Minh Chính, Phó Chính ủy, BĐBP Kon Tum cho biết: “Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum đã cụ thể hóa sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của Bộ tư lệnh Biên phòng về công tác dân vận trong tình hình mới bằng Kế hoạch số 15. Mục tiêu là giúp bà con khu vực biên giới phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao nhận thức nắm bắt quy chế biên giới, nắm bắt được vị trí, ý nghĩa của đường biên cột mốc. Từ đó đoàn kết để gìn giữ, bảo vệ biên cương của Tổ quốc”.

Giai đoạn 2006-2016, BĐBP Kon Tum đã giúp đỡ hộ nghèo khu vực biên giới trên 6.000 ngày công lao động; khám chữa bệnh cho gần 30.000 lượt người, giúp 64 hộ nghèo có bò chăn nuôi, gần 200 hộ gia đình phát triển vườn cao su, nắm bắt kỹ thuật thâm canh lúa nước hai vụ. Đặc biệt, nhiều mô hình như trồng sâm dây, bời lời, nuôi bò sinh sản do BĐBP giúp dân đã trở thành mô hình điểm của địa phương. Đáng phấn khởi là giai đoạn 2006-2016 có hơn 100 hộ gia đình khu vực biên giới thoát được thoát nghèo nhờ sự giúp đỡ của BĐBP Kon Tum. Kết quả này đã góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng biên của tỉnh Kon Tum từng bước phát triển.

                                                                                                Văn Hiển 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *