(kontumtv.vn) – Hiện nay, lúa trên các cánh đồng ở thành phố Kon Tum đã chín vàng, đang được bà con các xã, phường thu hoạch dần. Đầu vụ thời tiết thuận lợi, bà con những tưởng năm nay lúa sẽ được mùa, năng suất cao, thế nhưng ở 1 số nơi lúa bị sâu bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp, gây hại mạnh giai đoạn lúa trổ bông, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Bà con xã Đoàn Kết hiện đang thu hoạch lúa vụ mùa. Đoàn Kết là một trong những vựa lúa lớn, luôn cho năng suất, sản lượng cao hơn so với những địa phương khác trên địa bàn thành phố. Song vụ mùa này, đối lập với hình ảnh cánh đồng lúa ngã màu vàng óng và trĩu hạt như các mùa vụ trước, năm nay cánh đồng lúa Đoàn Kết chiếm tỷ lệ lớn lúa bị khô cổ bông, khô ngọn, và hạt lúa lép. Theo bà con nông dân ở đây, sở dĩ lúa bị tình trạng này do bệnh đạo ôn gây ra. Bệnh đạo ôn trên cây lúa thường xuất hiện vào thời kỳ lúa trổ bông với những biểu hiện đốm xám xuất hiện ở lá và sau đó lan dần ra phần cổ bông và phần hạt.

Nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất do bệnh đạo ôn
Nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất do bệnh đạo ôn

Trong vụ mùa, bệnh đạo ôn gây thiệt hại nặng đối với giống lúa đài thơm 8. Bình quân sản lượng các mùa vụ trước đối với giống lúa đài thơm 8 đạt từ 8 – 9 tấn/ha, nhưng năm nay chỉ đạt từ 4 – 5 tấn/ha. Bà Nguyễn Thị Hiền (thôn Tân Điền, xã Đoàn Kết) nói: “Khi lúa trổ bông, cây lúa bị khô từ cổ và tầng dưới thì bị héo, bị toàn xã Đoàn Kết luôn chứ không phải riêng ai. Nếu người nào bị thì từ 10% đến 20%, nhiều hơn thì bị từ 40% đến 50%, bình quân thì bị khoảng từ 30% đến 40% trên địa bàn xã”.

Bệnh đạo ôn là một trong những bệnh gây tổn thất nhất cho cây lúa nếu như không phòng trừ hiệu quả, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Vụ mùa năm nay, bệnh đậu ôn chủ yếu gây hại trên giống lúa đài thơm 8 và bùng phát không những trên địa bàn phường Nguyễn Trãi, xã Đoàn Kết mà hầu hết diện tích lúa ở thành phố. Theo ông Nguyễn Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, nguyên nhân dẫn đến bệnh đạo ôn bùng phát mạnh là do thời tiết nắng mưa thất thường; bà con sạ giống quá dày, bón phân không cân đối…Ông Nguyễn Nghiêm cho biết: “Qua đi thực tế đánh giá, chúng tôi thấy rằng có một số đám ruộng bị thiệt hại từ 10% đến 20%, thậm chí có những ruộng cao hơn 20% đến 30%. Tính đến thời điểm hiện nay thì chúng tôi cũng chưa thống kê được diện tích thiệt hại cũng như thống kê được các hộ bao nhiêu và ở diện tích bao nhiêu ha giống lúa đạt Thơm 8”.

Để phòng chống các dịch bệnh trên cây lúa vụ mùa, trung tuần tháng 8/2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đã ra Thông báo số 10 về diễn biến tình hình bệnh đạo ôn, khô vằn xuất hiện gây hại trên cây lúa nước và biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, do biện pháp phòng trừ của bà con chưa đạt theo nguyên tắc 4 đúng tức là đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách nên dẫn đến cây trồng bị bệnh đạo ôn tấn công mạnh. Ông Nguyễn Nghiêm nói: “Khuyến cáo của chúng tôi thứ nhất trước khi gieo sạ phải đảm bảo nguyên tắc. Thứ hai, phải ngâm ủ giống trong nước 50 độ C để cho hạt lúa được nảy mầm và tỷ lệ phần trăm cao hơn và diệt trừ một số loại sâu bệnh hại, trong đó cụ thể có bệnh đạo ôn. Thứ ba là phải áp dụng kỹ thuật canh tác, tức là 3 tăng 3 giảm. Chúng ta phải giảm phân bón giảm thuốc bảo vệ thực vật và giống để làm được điều đó chúng ta phải đáp ứng được đầy đủ các quy trình canh tác”.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, để chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất lúa, bà con nông dân cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện bệnh sớm để kịp thời phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc đặc trị bệnh đạo ôn. Khi phun thuốc, bà con nông dân cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng và theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì. Những ổ bệnh nặng trên 20% lá hại cần phun nhắc lại lần 2 cách lần 1 từ 5 – 7 ngày. Khi bệnh dừng không phát triển, tiếp tục chăm sóc, bón phân để lúa sớm hồi phục.

Bà con sau khi thu hoạch lúa, cần vệ sinh đồng ruộng, diệt lúa chết, làm sạch cỏ bờ, thực hiện đồng bộ các giải pháp thì bệnh đạo ôn hại lúa và các loại sâu bệnh khác sẽ được đẩy lùi … hạn chế mầm bệnh tồn lưu và lây lan sang vụ sau.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *