(kontumtv.vn) – Do biến đổi khí hậu, hạn hán xảy ra ở rất nhiều nơi trên cả nước, với những thiệt hại ngày càng lớn hơn. Riêng địa bàn tỉnh Kon Tum, tính đến thời điểm 21/3/2016, đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực với tổng diện tích hơn 1.270 ha. Số diện tích lúa không cứu được có khả năng mất trắng gần 600 ha, hơn 3.900 giếng nước bị khô cạn.

Hạn quá gắt gao, hạn chưa từng thấy. Đó là nhận xét của những người dân sống lâu năm ở tỉnh Kon Tum. Điều đó cho thấy thiên tai ngày càng khốc liệt, biến đổi khí hậu đang dần có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống mỗi người. Tính đến ngày 21/3/2016, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xảy ra khô hạn, thiếu nước tại một số khu vực, với tổng diện tích trên 1.270 ha; đã có 8 công trình nước tự chảy nguồn nước đầu mối cạn kiệt, suy giảm, không đủ cấp nước cho các hộ dân; có hơn 3.900 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước tại thành phố Kon Tum và 3 huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Tô. Hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân, chính quyền địa phương và người dân đang dùng mọi cách có thể để cứu lấy những diện tích khô hạn. Ông A Mốc, Thôn trưởng Thôn Pêng Sang Pêng (xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) nói: “ Hạn hán ở Pêng Sang Pêng năm nay rất là lớn, thôn vận động nhân dân khắc phục bằng mọi cách, mua máy bơm về khắc phục, tưới lúa chống hạn”.

Gần 600 ha lúa nước ở Kon Tum bị khô hạn
Gần 600 ha lúa nước ở Kon Tum có khả năng mất trắng do khô hạn

“Gia đình mình đã bơm 3 đợt rồi, mỗi đợt mất 100.000đ tiền xăng. Từ 5 giờ sáng tới giờ cũng chưa đầy, bơm máy nhỏ. Giờ cũng nhờ ông trời chứ biết sao, ruộng mình lỡ làm rồi, phải tưới, rồi cũng hy vọng chút, không gặt được cũng phải chịu thôi”.Ông A Thoăn (thôn Kon Jrixut, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) cho biết.

Nguyên nhân của biến đối khí hậu rất phức tạp và đa dạng, bao gồm cả nguyên nhân do tự nhiên và nguyên nhân do con người. Vì vậy, để giảm thiểu tác hại, chúng ta cần chủ động phối hợp, đề ra những giải pháp đồng bộ mang tính đa ngành, đa lĩnh vực để đối phó và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài việc thực hiện các giải pháp xây dựng công trình thủy lợi, hồ chứa, cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với từng khu vực, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các giải pháp pháp sử dụng nước tiết kiệm. Bà Mai Thị Yến, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei nói: “Phòng NN&PTNT phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên thăm đồng, khắc phục, sửa chữa kênh mương, đảm bảo lượng nước tưới, tránh tình trạng thất thoát nguồn nước”.

“Huyện xác định rõ những khu vực nào không thể đảm bảo về nước tưới thì cho chuyển đổi trồng cây trồng khác. Huyện cũng đã xây dựng phương án chuyển đổi gần 150 ha sang trồng cây ngô, cây sắn, các  cây ít ảnh hưởng về nước tưới”. Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND Huyện Sa Thầy cho biết.

Xu hướng biến đổi khí hậu cũng kéo theo sự thay đổi của nhiều yếu tố tự nhiên khác như lượng bốc hơi tăng, độ ẩm giảm, nhiệt độ không khí tăng. Những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp tới con người, tới môi trường và toàn bộ đời sống kinh tế – xã hội. Vì vậy ngay từ bây giờ, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, cùng với Nhà nước chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *