(kontumtv.vn) – PGS.TS Bùi Đình Phong cho rằng, các tiêu chí cán bộ ở các cấp khác nhau cần phải cụ thể, không thể chung chung thì mới chọn “trúng” cán bộ.

Thời gian gần đây dư luận bức xúc và đặt nhiều câu hỏi về trường hợp bổ nhiệm “thần tốc” và bất thường đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa, vụ “cả nhà làm quan” ở Hải Dương, ở Thừa Thiên-Huế… Về vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn PGS.TS Bùi Đình Phong – giảng viên cao cấp – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

tieu chi bo nhiem can bo chung chung thi kho chon trung nguoi tai hinh 1
PGS.TS Bùi Đình Phong

PV: Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng “cả nhà làm quan” ở một số địa phương thời gian gần đây?

Ông Bùi Đình Phong: “Cả nhà làm quan” là một hiện tượng cần lên án, cần phê phán. Ở các địa phương như chúng ta thấy cách làm không đúng, bản thân những người đang giữ các chức vụ mà lại trong một gia đình có 6-7 người cùng một cơ quan thì bản thân họ về mặt trí tuệ và phẩm chất không xứng đáng với vị trí công việc đó. Quá trình đưa các cán bộ này lên các chức vụ cũng không đảm bảo theo quy định chung của Đảng và Nhà nước nên dư luận phê phán.

Ngược lại, ở một vài trường hợp trong gia đình có những người có trí tuệ, phẩm chất, đạo đức lại được cất nhắc theo đúng nguyên tắc, quy trình, không phải theo kiểu “cả nhà làm quan” như hiện nay thì cũng phải xem xét. Trong lịch sử cũng đã có những ông bố làm to và con cái họ cũng rất xứng đáng, được nhân dân tín nhiệm. Do đó, cần phân biệt rõ hai vấn đề như vậy.

PV: Cùng một quy trình cán bộ nhưng nơi ra quyết định bổ nhiệm lại giải trình đúng, còn cơ quan kiểm tra lại kết luận là làm sai. Phải chăng quy trình có lỗ hổng, thưa ông?

Ông Bùi Đình Phong: Ở đây có 2 vấn đề, một là: về phía quy trình, những cái tổ chức đưa ra hiện nay cũng có kẽ hở; hai là: ở cơ sở, địa phương hay các ngành khi dư luận phát hiện, những người có trách nhiệm giải trình là đúng quy trình thì đó là cách nói của họ, nhưng khi đi vào kiểm tra, nghiên cứu từng vấn đề, từng khía cạnh thì lại không đúng quy trình. Tôi cho rằng, việc khẳng định không đúng quy trình hoàn toàn hợp lý, chính xác.

PV: Có ý kiến cho rằng cần phải kiểm soát được sự thao túng của những người có quyền lực khi họ cố tình vận dụng sai quy trình vào bổ nhiệm cán bộ. Ý kiến của ông thế nào?

Ông Bùi Đình Phong: Kiểm soát quyền lực là vấn đề rất lớn mà Đảng đã nói trong các Nghị quyết Trung ương, nhất là trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Vấn đề này cần hiểu trên các phương diện, một là: về phía Đảng, Nhà nước cần phải có quy định về kiểm soát quyền lực; Hai là, hiện nay có một điều quan trọng mà chúng ta chưa làm được tức là nhân dân kiểm soát quyền lực, nhất là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội.

Ngay cả việc giới thiệu cán bộ thì hiện nay mới chỉ làm trong phạm vi của Đảng, điều đó cần nhưng chưa đủ, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, một vấn đề rất quan trọng là phải được nhân dân có ý kiến. Khâu đó hiện nay còn có những hạn chế. Vì vậy, muốn kiểm soát quyền lực thì không chỉ có cơ quan Đảng, Nhà nước mà phải có cách nào đó để nhân dân có điều kiện, khả năng cùng kiểm soát.

PV: Việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa cũng gây ra những bức xúc trong dư luận. Ông nhìn nhận thế nào về trường hợp này?

Ông Bùi Đình Phong: Qua dư luận và báo chí, tôi cho rằng cách làm của Thanh Hóa có vấn đề. Về vấn đề này, các cơ quan của Đảng, Nhà nước cần phải xem xét kỹ từng bước một, từ khâu bổ nhiệm, hồ sơ bị mất, đặc biệt là người đứng đầu – người chịu trách nhiệm về vấn đề này.

Đây có thể nói là một trong những việc mà nếu không được làm rõ ràng, không làm đến nơi, không làm triệt để để lấy lại lòng dân thì rất nguy hiểm trong những vấn đề tiếp theo về công tác cán bộ.

PV: Làm thế nào để người có quyền lực cao nhất không có cơ hội làm sai trong công tác cán bộ, thưa ông?

Ông Bùi Đình Phong: Hiện một số nơi đang thí điểm nhất thể hóa chức danh lãnh đạo về mặt Đảng, Nhà nước. Nói ý chí của người đứng đầu chỉ là một cách nói, vì chúng ta có một nguyên tắc rất quan trọng trong Đảng là tập trung dân chủ, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Vấn đề này không mới mà đã có từ mấy chục năm nay, tuy nhiên, trong thực tiễn có chỗ này, chỗ kia với những mức độ khác nhau mà làm không nghiêm. Vì vậy việc những cơ quan khác kiểm tra vấn đề này rất quan trọng. Phải kiểm tra xem những nơi đó làm đến đâu và bây giờ phải làm một cách triệt để.

PV: Để chọn được người thực tài như yêu cầu của Thủ tướng “chọn người tài chứ không phải chọn người nhà”, theo ông, cần làm gì?

Ông Bùi Đình Phong: Hiện nay chúng ta có nhiều quy định về vấn đề này, nhưng theo tôi, có mấy bước không thể không làm một cách chặt chẽ: phải tuân thủ quy định mới nhất về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước hiện nay. Trong quy định đó bàn về những tiêu chí cán bộ ở các cấp khác nhau, những tiêu chí này cần phải cụ thể, không thể chung chung được.

Một yếu tố rất quan trọng là phải có sự tín nhiệm cũng như ý kiến của nhân dân. Lâu nay về công tác cán bộ chúng ta chỉ làm trong nội bộ Đảng, theo tôi việc đó cần nhưng chưa đủ mà cần phải lấy ý kiến rộng hơn ở địa phương nơi cán bộ đó sinh sống và ở nơi công tác.

PV: Xin cảm ơn ông./.

 

Kim Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *