(kontumtv.vn) – Chấp nhận từ bỏ công sức 17 năm đèn sách với tấm bằng đại học Bách khoa Đà Nẵng loại khá, anh Nguyễn Văn Tuấn đã đến với vùng đất Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) để lập nghiệp. Sau hơn 3 năm gắn bó với vùng đất mới, giờ đây Tuấn đã xây dựng cho mình mô hình phát triển kinh tế ổn định với thu nhập hằng năm gần 100 triệu đồng.        

Sinh ra và lớn lên ở huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2007, anh Nguyễn Văn Tuấn làm việc ở nhiều công ty tại tỉnh Đăk Nông, tỉnh Long An, với thu nhập hằng tháng trên 5 triệu đồng. Nhưng tình cờ một lần xem qua chương trình giới thiệu về Làng Thanh niên lập nghiệp biên giới Mo Rai, năm 2012 Tuấn đã từ bỏ cuộc sống ở thành thị để đến với vùng biên giới xa xôi, mặc dù gặp phải sự can ngăn của gia đình. Anh Tuấn  chia sẻ: “ Tuấn đến với vùng đất này cũng là một sự tình cờ thôi, có xem một chương trình VTV phát sóng nói về xã Mo Rai, một xã có diện tích bằng tỉnh Thái Bình, sau tìm hiểu thấy Tỉnh Đoàn Kon Tum có tuyển thanh niên tình nguyện lên đây lập nghiệp, tôi cũng có lên tham quan thấy mô hình trồng cao su thì tôi rất thích, muốn đột phá trong công việc, đi theo một hướng mới, trước mắt là muốn phát triển các loại cây công nghiệp ở vùng này”.

Nguyễn Văn Tuấn lập nghiệp trên vùng quê mới
Nguyễn Văn Tuấn lập nghiệp trên vùng quê mới

Khởi đầu gian nan với sự khắc nghiệt của khí hậu vùng biên giới nhiều lúc làm Tuấn cảm thấy nản lòng, nhưng với sự quyết tâm và sự hỗ trợ của Tổng đội Thanh niên xung phong, đã giúp Tuấn vượt qua tất cả. Tuấn được hỗ trợ xây dựng một căn nhà, 1.000 m2  đất vườn để trồng trọt, chăn nuôi và nhận khoán chăm sóc gần 80 ha cao su của Công ty CP Duy Tân, Công ty CP Sâm Ngọc Linh, đã giúp cho Tuấn có nguồn thu nhập ổn định. Ngoài ra, Tuấn đã tận dụng diện tích ở các bờ lô để trồng mì, bắp, tăng thêm thu nhập. Từ nguồn vốn tích lũy được, năm 2015 Tuấn đã mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm 400 trụ tiêu, 200 cây cà phê và xây dựng mô hình chăn nuôi heo rừng, với mong muốn sẽ tăng thêm nguồn thu trong thời gian đến. Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Hiện tại tôi đang thí điểm trồng một số diện tích cây cà phê và tiêu, nếu thành công tôi sẽ nhân rộng mô hình này ra để cùng với các anh em khác tạo thêm một loại cây công nghiệp nữa ngoài cây cao su. Tôi nghĩ vùng đất này còn rộng, đất đai còn mới, đa số anh em lên đây về cây công nghiệp kiến thức cũng chưa được đầy đủ lắm, vừa làm vừa tìm hiểu. Mong muốn của tôi là tạo được các mô hình này thành công, anh em cùng làm để xây dựng kinh tế vùng biên này ngày một phát triển hơn”.

“Đội viên Nguyễn Văn Tuấn mới lên được 3 năm, nhưng Tuấn đã có những suy nghĩ tạo ra những mô hình rất mới, nghiên cứu những cây và con giống. Hiện nay đối với mô hình nuôi heo rừng thì Tuấn cũng đã làm thành công, đồng thời đưa về cây tiêu đang trong thời gian thử nghiệm. Tổng đội cũng đang khuyến khích mô hình này, nếu  những mô hình thành công như cây tiêu, nuôi heo rừng cũng như chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thì chúng tôi sẽ làm điểm để nhân rộng cho một số anh em trong thời gian sắp đến”. Anh Võ Văn Vinh, Tổng Đội trưởng Tổng Đội TNXP tỉnh Kon Tum nói.

Đã 34 tuổi, đây là năm thứ 3 một mình Tuấn chuẩn bị đón Tết ở vùng đất biên giới. Mặc dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng với tinh thần và nghị lực của sức trẻ đi xây dựng kinh tế, đã giúp Tuấn vượt qua khó khăn và xem đây như là quê hương thứ hai của mình.

Với thu nhập hằng năm gần 100 triệu đồng chưa phải là nhiều, nhưng tin tưởng rằng với sự nỗ lực của bản thân, trong thời gian tới anh Nguyễn Văn Tuấn sẽ có nguồn thu nhập cao hơn và sẽ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế ở vùng biên giới Ia H’Drai này.

Ngọc Chí – Đức Thắng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *