(kontumtv.vn) – Tính chung các chính sách đã được thực hiện từ đầu năm và các chính sách đề xuất bổ sung, tổng số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138.000 tỷ đồng.

Bo Tai chinh: Cac goi ho tro ve thue se tren 138.000 ty dong hinh anh 1
(Ảnh minh họa/Nguồn: CTV/Vietnam+)

Chính phủ đã chính thức có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.

Ba nhóm chính sách lần đầu tiên đề xuất

Theo ông Nguyễn Quốc Hưng,Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, để Nghị quyết sớm đi vào đời sống, Bộ Tài chính đã song song xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện sau khi Nghị quyết được thông qua.

Theo ông Hưng, nội dung dự thảo Nghị quyết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua gồm 4 bốn chính sách, cụ thể sẽ tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.

Trong gói hỗ trợ về thuế lần này, đặc biệt có ba nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam.

Thứ nhất là giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng (trong quý 3 và quý 4 của năm 2021) đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Thứ hai, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác…

Thứ ba, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (hai năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Bo Tai chinh: Cac goi ho tro ve thue se tren 138.000 ty dong hinh anh 2
(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

“Theo dự tính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng, ngoài ra Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tính chung các chính sách đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện từ đầu năm 2021 và các chính sách đề xuất bổ sung nêu trên thì số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138.000 tỷ đồng,” ông Hưng nói.

Hướng tới người có thu nhập thấp

Theo ông Nguyễn Như Quỳnh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), các gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam có điểm khác biệt so với một số quốc gia trên thế giới, là hướng trọng tâm tới sự bình đẳng, công bằng và người dân có thu nhập thấp trong xã hội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn.

Cụ thể, ngoài các chính sách hỗ trợ gián tiếp thông qua miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, các chính sách của Việt Nam cũng đã tập trung hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho những người lao động chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, như lao động bị nghỉ việc, lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, trẻ em…

“Nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất-kinh doanh, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thực tế, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 (3 đến 6 tháng). Tính đến ngày 30/6, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 26.700 tỷ đồng,” ông Quỳnh trao đổi.

Để phát huy hiệu quả cao nhất của chính sách trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, ông Quỳnh cho biết Bộ Tài chính đã tăng cường công tác tuyên truyền chính sách để tất cả các đối tượng trong xã hội đều có thể tiếp cận thông tin về các gói hỗ trợ tài khóa hiện nay; trình tự, thủ tục hành chính để được hưởng các chính sách hỗ trợ đã được đơn giản hóa.

“Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả nhất các chính sách hỗ trợ cho người dân và đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong triển khai các chính sách hỗ trợ cũng đã được tăng cường,” ông Quỳnh nói.

Trao đổi các kinh nghiệm quốc tế, ông Quỳnh cho biết xu hướng chính sách tài khóa của các quốc gia trên thế giới hiện nay là thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tăng chi ngân sách Nhà nước nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Cụ thể, một số quốc gia phát triển như Mỹ, Australia, Nhật Bản… thực hiện chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến thất nghiệp, giảm thu nhập và gặp các khó khăn kinh tế khác. Trong khi đó, các nước đang phát triển như Indonesia, Lào, Myanmar…, việc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn hạn chế và chưa được thực hiện trên quy mô rộng.

Bo Tai chinh: Cac goi ho tro ve thue se tren 138.000 ty dong hinh anh 3
(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Ở Việt Nam, ông Quỳnh cho hay mặc dù điều kiện ngân sách còn khó khăn, cùng với các chính sách hỗ trợ về thuế nói trên, Chính phủ cũng đã có các giải pháp hỗ trợ chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Số tiền đã thực hiện hỗ trợ trong năm 2020 là 16.800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, dự kiến năm 2021 sẽ có trên 14,95 triệu người lao động được nhận hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp với tổng kinh phí ước tính trên 26.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh dịch bệnh nhiều diễn biến phức tạp song Chính phủ vẫn quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói trong xã hội. Do đó, ông Quỳnh nhấn mạnh việc thực hiện nhiều gói hỗ trợ giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất là thực sự cần thiết nhằm đảm bảo các mục tiêu trên.

Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế và thu ngân sách trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến số thu ngân sách trong các lĩnh vực được hỗ trợ. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu thu ngân sách  Nhà  nước, Bộ Tài chính đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong ngắn hạn, thực hiện tăng cường quản lý thu ngân sách Nhà nước, chống thất thu, trốn thuế, đặc biệt là nguồn thu từ các hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh tế phát sinh từ nền kinh tế số, nguồn thu từ tài sản, kinh doanh bất động sản.

“Trong dài hạn, Bộ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng cơ sở thuế trên cơ sở rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế để sửa đổi, bổ sung các khoản thuế còn chưa phù hợp với thực tiễn; tăng thuế suất đối với các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích sản xuất, tiêu dùng; rà soát, loại bỏ những ưu đãi thuế không còn phù hợp… Bên cạnh đó, khi các gói hỗ trợ tài khóa được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giúp các doanh nghiệp tích lũy vốn để duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh, nuôi dưỡng nguồn thu,” ông Quỳnh chia sẻ./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *