(kontumtv.vn) – Ủy ban Dân tộc sẽ nghiêm túc phối hợp rà soát để có giải pháp nâng cao hiệu quả hơn nữa các chính sách đối với đồng bào dân tộc.
Các ý kiến đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử chiều 13/3 đều đánh giá các chính sách, chương trình mục tiêu cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn là hợp lòng dân, đem lại hiệu quả thiết thực, hỗ trợ người nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên phát triển. Kết quả đạt được có sự tham mưu, phối hợp chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các chương trình, dự án còn chồng chéo, lan man, thiếu nguồn lực dẫn đến đầu tư không đạt yêu cầu, gây lãng phí.
Bộ trưởng “trải lòng” trong lần đầu đăng đàn chất vấn
Bộ trưởng Giàng Seo Phử bày tỏ vui mừng khi lần đầu tiên được đăng đàn để “nói hết được ý kiến của người nghèo, đồng bào dân tộc”.
“Chính sách của chúng ta là chính sách chung áp dụng cho phạm vi cả nước chứ chưa đến, phù hợp với từng dân tộc mà chỉ có một số chính sách mang tính đặc thù”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử phân tích, đồng thời bày tỏ: “Tôi rất buồn vì một số địa phương không thống nhất trong đánh giá hiệu quả các đề án: Hội đồng nhân dân báo cáo khác, đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo khác, UBND báo cáo khác dù cùng địa bàn, cùng đối tượng”.
Nhấn mạnh các chính sách, đề án mang lại hiệu quả thiết thực, hợp lòng dân, nhưng Bộ trưởng cũng thẳng thắn thừa nhận còn khuyết điểm khi công tác tham mưu còn lung túng, chưa chuyên sâu một số lĩnh vực hoặc đơn giản hóa, các chính sách chưa đồng bộ. Ủy ban Dân tộc sẽ nghiêm túc rà soát, nhìn nhận hạn chế để có giải pháp nâng cao hiệu quả các chính sách vì mục tiêu nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc.
Tuy nhiên, công tác dân tộc là lĩnh vực đầy khó khăn, đòi hỏi nhiều cấp, ngành, cơ quan, địa phương đồng lòng mới làm được nên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Giàng Seo Phử đề nghị các cơ quan cần có sự đóng góp cụ thể hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả; loại bỏ sự chồng chéo giữa các dự án để tránh bố trí nguồn lực phân tán, lãng phí, đồng bào được thụ hưởng ít.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết các chính sách dành cho đồng bào dân tộc miền núi cơ bản kết thúc vào năm 2015. “Chính sách của ta theo nhiệm kỳ, nên kế hoạch chưa có tính hệ thống trung hạn, dài hạn. Chính sách cho đồng bào dân tộc chỉ có 5 năm thì mất 3 năm chuẩn bị chính sách, 1 năm triển khai thì đồng bào chỉ có 1 năm thụ hưởng. Do đó giải pháp phải thay đổi cách xây dựng kế hoạch”, ông Giàng Seo Phử nêu quan điểm và đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ xây dựng chương trình thành mục tiêu quốc gia dành cho đồng bào vùng dân tộc khó khăn. Vì tỉ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc cao và con số này có thể cao hơn khi thông qua chuẩn nghèo mới.
Cần nguồn lực để tạo đột phá
Liên quan đến Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), cũng như nhiều dự án, chương trình khác liên quan vùng dân tộc, Bộ trưởng Giàng Seo Phử cho biết ý kiến của các đại biểu cũng là sự trăn trở của mình và “lâu nay chưa có cơ hội nói về điều này”.
Chương trình 135 thực thiện từ 1999 và trải qua 3 giai đoạn hoàn thiện, trong đó có sự bổ sung, điều chỉnh các hợp phần. Đây được xem là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, được nhân dân và các nhà tài trợ quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, ông Giàng Seo Phử cũng nêu rõ việc thực hiện các dự án gặp nhiều khó khăn, nhiều nội dung chưa được triển khai, mà nguyên nhân một phần do cơ chế, phần khác do tình hình khó khăn chung của nền kinh tế nên thiếu nguồn lực.
“Giải pháp đột phá trong thời gian tới như thế nào còn phụ thuộc vào Quốc hội”, Bộ trưởng nói khi đề cập cân đối nguồn vốn theo yêu cầu của đề án không đảm bảo; đồng thời nhấn mạnh nếu thiếu sự đồng thuận, không hành động quyết liệt, kịp thời thì vùng này tiếp tục khó khăn trong thời kỳ hội nhập.
Đồng tình ý kiến của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng như ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, về việc còn quá nhiều chính sách chồng chéo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết riêng nhiệm kỳ này có 16 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó nhiều chỉ tiêu phải tháo gỡ, mục tiêu phải giải quyết nên không thể tránh được có sự chồng chéo; phối hợp hành động, chỉ đạo thiếu hiệu quả. Do đó phải sắp xếp lại các chương trình, xác định trọng điểm.
Ngoài ra để nâng cao hiệu quả các dự án, chương trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng nên giao địa phương chịu trách nhiệm thật cụ thể và lồng ghép chứ các chương trình chứ không phải Bộ nào cũng làm. Ông Giàng Seo Phử đề xuất có thể giao Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, phân phối vốn theo từng đề án, làm theo hình thức cuốn chiếu để tránh làm dở dang gây lãng phí.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng nhấn mạnh: Khi chính sách đúng, tham mưu đúng, phù hợp nhu cầu đúng rồi thì muốn đột phá phải có nguồn lực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ủy ban Dân tộc cũng phải nhìn nhận rõ vai trò tham mưu để các đề án, chương trình đặt ra mục tiêu phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực/.