(kontumtv.vn) – Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, số lượng bác sỹ, dược sỹ sẽ tăng mạnh so với trước đây song chất lượng sẽ được siết chặt, dần tiến tới “xóa sổ” bác sỹ chuyên tu.

Trả lời chất vấn của các ĐBQH chiều 1/4, Bộ trưởng Y tế cho biết với quy mô đào tạo như hiện nay thì thời gian tới số lượng bác sỹ, dược sỹ sẽ tăng lên rất nhiều. Vấn đề là chất lượng, sắp tới Bộ sẽ siết chặt hơn quy mô đào tạo.

“Dạng đào tạo bác sỹ liên thông (chuyên tu) chúng tôi sẽ hạn chế dần, tiến tới không đào tạo hình thức này nữa để tập trung đào tạo chính quy. Giai đoạn vừa qua duy trì hình thức này vì nếu không sẽ không có bác sỹ cho tuyến huyện, xã. Việc dừng này cũng phải có lộ trình để không gây xáo trộn”, bà nói.

bộ trưởng Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến, y đức
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không thể nói giá thuốc quá cao. Ảnh: Minh Thăng

Theo bà Tiến, năm 2015, số dược sỹ, bác sỹ ra trường sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước. Bà lo sẽ “thừa” nhân lực ở tuyến trên vì ra trường không ai muốn về tuyến dưới.

Chọn Bộ trưởng Tiến, không chọn Bộ trưởng Tuấn Anh!

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm UB Kinh tế QH cho biết nếu UBTVQH tổ chức “trưng cầu ý dân” thì ông sẽ chọn Bộ trưởng Tiến thay vì Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh.

Theo ông Phúc, hiện Chính phủ đang bàn rất sôi nổi về việc trong tình hình hiện tại nên đầu tư cho ASIAD hay nên dành nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác thiết thực hơn.

“Nếu được lựa chọn, cá nhân tôi nghĩ cần tiếp tục đầu tư cho ngành y tế. Nhưng qua ý kiến cử tri tôi thấy đầu tư chưa đồng bộ. Chúng ta đầu tư được bệnh viện thì thiếu thiết bị, có thiết bị rồi thì thiếu bác sỹ. Nhiều địa phương được trang bị thiết bị hiện đại thì bác sỹ hầu như không dùng được. Phải cải thiện thế nào?”, ông Phúc hỏi.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương, trong 3 năm qua, tổng nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực y tế đã lên tới 30.591 tỷ đồng

“Không thể nói giá thuốc quá cao”

Dẫn lại ý kiến của Thủ tướng cho rằng “phải kéo được giá thuốc ở các bệnh viện xuống, không thì dân khổ quá”, ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) hỏi Bộ trưởng Y tế về những giải pháp “hạ nhiệt” mặt hàng đặc biệt này.

Bà Tiến khẳng định “giá thuốc ở Việt Nam đã ổn định trong một thời gian dài”, thấp hơn tốc độ tăng CPI, đứng thứ 9/11 mặt hàng thiết yếu. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá biệt dược ở VN có mức tăng trung bình. So với các thuốc ở Trung Quốc với Thái Lan thì thuốc ở VN có giá “thấp hơn”.

“Cho nên không thể nói là giá thuốc Việt Nam quá cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Việc ban hành thông tư đấu thầu và quản lý giá thuốc, theo bà Tiến, đã mang lại những dấu hiệu “tích cực” như tiền mua thuốc (BHYT) giảm 15-30% so với giai đoạn trước; Tỷ lệ sử dụng thuốc nội tăng gấp đôi so với năm 2013 mà chất lượng vẫn đảm bảo vì trước khi lưu hành đã được kiểm định chặt chẽ.

Hiện Luật đấu thầu sửa đổi cũng có riêng một chương về đấu thầu thuốc. Khi trình luật Dược sửa đổi ra QH vào kỳ họp tới, sẽ có đột phá trong cơ chế quản lý và đấu thầu thuốc.

Y đức chưa có chuyển biến lớn

Nhận được nhiều câu hỏi về giải pháp đột phá cải thiện y đức cũng như giảm tai biến, Bộ trưởng Y tế nói đây là vấn đề cả ngành trăn trở và đã có nhiều giải pháp khắc phục song chưa có chuyển biến lớn.

Với tai biến y khoa gây bức xúc trong dư luận, bà Tiến nói có những tình huống y học cũng bất lực, đó là tai biến do khách quan. Còn do chủ quan, tiêu cực như do thiếu đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp… thì Bộ Y tế chưa dám hứa bao giờ chấm dứt hoàn toàn mà chỉ chỉ có cách hạn chế bớt.

Phát biểu chốt buổi chất vấn Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ ra những thách thức mà ngành Y đang phải đối mặt như quá tải, nhân lực thiếu hụt, đặc biệt là y đức xuống cấp vì “những sự việc vừa rồi không phải do kỹ thuật, do thiếu cái này cái kia mà là do đạo đức”.

Theo Chủ tịch QH, phải giải quyết những thách thức trên bằng con đường kinh tế thị trường định hướng XHCN – phát triển ngành y với nguyên tắc ngang giá để tạo lực cạnh tranh, không thể để quá tải bệnh viện mà cứ đòi hỏi y đức.

Cẩm Quyên/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *