(kontumtv.vn) – Là trường vùng ven của thành phố Kon Tum, điều kiện đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, Trường TH- THCS Hòa Bình còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh đến lớp chuyên cần, tích cực học tập thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là thực hiện mô hình “bữa cơm trưa” tạo sự gắn kết yêu thương giữa thầy và trò.

Nhà em  Y My Lim, học sinh lớp 9C ở thôn Kép Ram, xã Hòa Bình cách trường học gần 7 km. Quãng đường từ nhà em đến trường vừa xa lại khó đi. Với thời tiết thuận lợi để đi đến trường em mất khoảng 30 phút, còn với thời tiết mưa, gió em phải mất cả tiếng đồng hồ mới đến được trường. Trước đây, vào những hôm học 2 buổi/ngày em phải ở lại trường và thường nhịn đói. Em Y My Lim nói: “Đi học hai buổi thì khoảng cách từ nhà đến trường rất xa, mỗi khi đi học hai buổi cảm thấy rất mệt vì có một đoạn đường dốc rất cao. Khi các thầy cô tạo điều kiện cho chúng con thì rất là vui. Hạnh phúc nhất là được thầy cô tạo điều kiện cho ăn uống và ở lại trường, đã bớt đi một khoảng thời gian đi từ nhà đến trường. Nhất là khi trời mưa, xe cộ không có, được thuận tiện cho chúng con đi học”.

Bữa ăn trưa tại trường dành cho học sinh xa nhà
Bữa ăn trưa tại trường dành cho học sinh xa nhà

Cũng giống như em Y My Lim, có gần 30 học sinh nhà ở các thôn Kép Ram, PLeidơng, PLeichor đều ở lại trường khi học 2 buổi/ngày. Hầu hết gia đình các em có hoàn cảnh khó khăn nên khi ở lại buổi trưa tại trường các em thường nhịn đói hoặc chỉ ăn mì tôm. Nếu buổi trưa các em về nhà thì rất ít em đi học tiếp vào buổi chiều. Để giúp các em đi học chuyên cần, đảm bảo sức khỏe học tập, nhà trường triển khai mô hình “bữa cơm trưa”. Thầy Đặng Văn Vũ. Giáo viên nhà trường nói: “Do các em gặp khó khăn về đi lại, ở lại các em tự ăn uống ngoài quán rất khó khăn, khổ sở. Thầy cô hỗ trợ các em ban đầu là những gói mỳ tôm, qua thời gian có sự lan tỏa của chính quyền địa phương, của thầy cô giáo, mua sắm thêm các vật dụng làm bếp nên dần dần xây dựng bếp ăn này ngày một đầy đủ hơn cho các em. Các thầy cô giáo, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ thức ăn như trứng, rau, thịt, ai có gì thì giúp đỡ nấy nên bếp ăn hoạt động thường xuyên đến bây giờ”.

Đến nay, mô hình “bữa cơm trưa” được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì tôm các vật dụng như tủ lạnh, bếp, nồi cơm…Từ đó tạo động lực cho các em học sinh đi học chuyên cần, giúp nâng cao chất lượng học tập và các hoạt động khác trong nhà trường. Thầy Võ Hồng Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Bếp ăn trưa của học sinh để đảm bảo sĩ số học sinh, cũng như nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số đáp ứng đề án nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số của UBND tỉnh. Vì lý do các em ở rất xa (như một số em ở làng Plei Cho cách khoảng 9 km) nên việc đi lại của các em rất khó khăn, nếu các em học xong buổi sáng rồi về thì buổi chiều các em có thể không tham gia học tập tiếp được, nên nếu các em nghỉ buổi chiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập”.

Hơn 10 năm thực hiện “bữa cơm trưa” đã đem lại sự gắn kết giữa thầy và trò nơi đây. Đồng thời giúp Trường TH-THCS Hòa Bình duy trì sĩ số học sinh chuyên cần đạt trên 99% và nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *