(kontumtv.vn) – Cùng với cả nước, sáng 5/9, học sinh các địa phương tỉnh Kon Tum đã náo nức đến trường, tham dự Lễ Khai giảng năm học 2016 – 2017.

Thành phố Kon Tum

Học sinh TP. Kon Tum nô nức bước vào năm học mới
Học sinh TP. Kon Tum nô nức bước vào năm học mới

Là trường mới thành lập, năm học đầu tiên đi vào hoạt động, Lễ Khai giảng ở Trường THCS Hoàng Sa diễn ra trong không khí tràn ngập niềm vui tươi, phấn khởi. Năm học này, trường đón nhận 306 học sinh theo học ở 9 lớp. Trong đó có 101 học sinh người dân tộc thiểu số, 108 học sinh mới được tuyển sinh vào lớp 6. Với quy mô 12 phòng học, phòng tin học, phòng bộ môn được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, đáp ứng nhu cầu dạy và học, Trường THCS Hòang Sa hứa hẹn gặt hái được nhiều thành tích trong năm học đầu tiên.

Năm học 2016-2017, thành phố Kon Tum có 3.526 học sinh từ bậc mầm non đến THCS ra lớp, trong đó có 13.600 em người DTTS, với tổng số 79 trường, tăng 02 trường so với năm học trước, tăng 30 lớp, 1.430 học sinh. Đến thời điểm khai giảng, tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 99%. Thành phố đã trích kinh phí lồng ghép với các nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, sửa chữa, trang bị cơ sở vật chất cho nhiều điểm trường, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học. Cùng với đó, các hoạt động trợ giúp học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đẩy mạnh. Nhiều phần quà, học bổng đã được trao tặng, tiếp bước để các em yên tâm bước vào năm học mới.

Huyện Sa Thầy

Hơn 14.000 học sinh huyện Sa Thầy bước vào năm học mới
Hơn 14.300 học sinh huyện Sa Thầy bước vào năm học mới

Hòa chung không khí vui tươi cùng cả nước trong “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”, 48 trường học trên địa bàn huyện Sa Thầy đã đồng loạt tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới.

Năm học này, huyện Sa Thầy huy động hơn 14.300 học sinh 4 bậc học ra lớp. Để đảm bảo các điều kiện cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp, bổ sung trang thiết bị dạy và học; tham mưu với chính quyền địa phương lồng ghép các chương trình, dự án, gắn với công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Từ nguồn chương trình MTQG, Phòng Giáo dục huyện đã trích trên 600 triệu đồng mua sách vở cấp cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, con em gia đình chính sách nghèo và hộ đồng bào DTTS. Các xã, thị trấn trên địa bàn đã vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ sách giáo khoa, giấy vở, viết và quần áo cho học sinh khó khăn. Thông qua nhiều nguồn hỗ trợ, các trường đã tiếp nhận và cấp gần 3.000 cuốn vở viết, hơn 300 suất học bổng hỗ trợ cho học sinh nghèo, học sinh DTTS. Nhờ vậy, 100% học sinh trên địa bàn huyện đều có đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập trước khi bước vào năm học mới.

Huyện Kon Rẫy

Khai giảng năm học mới ở huyện Kon Rẫy
Khai giảng năm học mới ở huyện Kon Rẫy

Năm học 2016 – 2017, huyện Kon Rẫy có 29 đơn vị trường học, với tổng số hơn 7.400 học sinh, từ bậc học mầm non đến THPT, tăng 5 lớp và 200 học sinh so với năm học trước. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cơ bản được đầu tư đồng bộ. Đội ngũ giáo viên được củng cố, kiện toàn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt trong lễ khai giảng năm học mới, huyện Kon Rẫy có một trường được đón nhận trường đạt chuẩn quốc gia, đó là Trường THCS xã Đăk Ruồng. Đến nay huyện có 7 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,5% theo lộ trình quy hoạch đề ra.

Năm học 2016-2017, các trường học trên địa bàn Kon Rẫy tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Thầy và trò phấn đấu dạy tốt – học tốt để đào tạo nguồn lực con người cho huyện .

Huyện Đăk Glei

Khai giảng năm học mới ở huyện Đăk Glei
Khai giảng năm học mới ở huyện Đăk Glei

 Đây là năm học đầu tiên của Trường Tiểu học – Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thị trấn Đăk Glei). Trường có 500 học sinh và được biên chế ở 20 lớp. Trong đó tiểu học có 14 lớp, 337 học sinh; THCS có 6 lớp, 173 học sinh. Trường mới được thành lập nên còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học. Vì vậy các thầy cô giáo, cán bộ nhân viên nỗ lực phấn đấu về mọi mặt, không ngừng đổi mới phương pháp dạy và học để là tấm gương sáng về đạo đức, về tự học và tự sáng tạo, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Trong năm học này, huyện Đăk Glei có 11.150 học sinh ra lớp học. Trong đó bậc học mầm non có 3.572 cháu, tiểu học có 5.212 học sinh và trung học cơ sở có 3.369 học sinh, tăng 500 học sinh so với năm học trước. Huyện có 38 trường, tăng 1 trường so với năm học trước. Để nâng cao chất lượng dạy học, ngay từ đầu năm học, ngành Giáo dục huyện đã đầu tư các trang thiết bị dạy và học cho các xã vùng sâu, vùng xa. Hiện tại các trường ở bậc trung học cơ sở đều được đầu tư xây dựng kiên cố. Riêng bậc học mầm non và tiểu học ở các thôn làng vùng sâu, vùng xa còn 65 phòng học tạm, nhiều điểm trường phải mượn tạm nhà rông hoặc hội trường thôn để học. Tuy các xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, nhưng bước vào năm học mới 2016 – 2017, ngành Giáo dục huyện Đăk Glei sẽ quyết tâm phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện .

Huyện Kon Plông

Hòa chung không khí ngày hội tựu trường, 32 điểm trường trên địa bàn huyện Kon Plông đã hân hoan tổ chức khai giảng năm học mới 2016-2017.

Trong năm học 2016-2017 huyện Kon Plông có hơn 6.300 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành GD&ĐT huyện đã hoàn thành việc rà soát, đăng ký mua trên 700 bộ đồ dùng học tập, 2.000 bộ sách giáo khoa và hơn 28.000 cuốn vở cho hơn 2.700 học sinh con hộ nghèo được hưởng chính sách theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra UBND huyện đã chỉ đạo các trường học, Hội Khuyến học địa phương kêu gọi các tổ chức và cá nhân quyên góp được 2.175 bộ sách, 27.680 cuốn vở để ủng hộ cho học sinh thuộc diện khó khăn và DTTS thiếu sách giáo khoa, vở viết.

Hiện tại, trên địa bàn huyện có tổng số 428 phòng học kiên cố và 50 phòng học bán kiên cố, đảm bảo việc học tập của học sinh. Ngành Giáo dục huyện đã bố trí 728 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ bản đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục thời gian đến.

Năm học mới này, ngành Giáo dục huyện đề ra 8 nhiệm vụ, 4 giải pháp để nâng cao chất lượng. Trong đó, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới phương pháp dạy và học là giải pháp đột phá, quyết tâm thực hiện để phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh.

Huyện Ngọc Hồi

15.000 học sinh huyện Ngọc Hồi
15.000 học sinh huyện Ngọc Hồi bước vào năm học mới

Năm học 2016 – 2017, huyện Ngọc Hồi có gần 15.000 học sinh các cấp học, tăng trên 200 em so với năm học trước. Tỷ lệ huy động học sinh vào lớp 1 đạt 100%. Cùng với công tác huy động học sinh đến trường, cơ sở vật chất, phòng lớp học, bàn ghế giáo viên, học sinh, nhà công vụ giáo viên, lưu trú cho học sinh đảm bảo cho công tác dạy và học. Năm học 2015-2016, từ nguồn kinh phí của huyện và thông qua các chương trình, dự án của tỉnh hỗ trợ, huyện Ngọc Hồi đã đầu tư xây mới 7 phòng học,3 khu nhà hiệu bộ, xây mới 4 nhà đa năng và cải tạo, sửa chữa bếp ăn bán trú với tổng kinh phí trên 41 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã trích ngân sách 700 triệu đồng để sửa chữa bàn ghế, mua sắm thêm trang thiết bị dạy học tại một số trường học, đảm bảo đủ cho học sinh học tập 2 buổi/ngày.

Năm học 2016 – 2017, ngành Giáo dục huyện Ngọc Hồi tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực; đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS. Trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh ở cấp tiểu học, THCS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, làm cơ sở để định hướng đầu tư và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách có hiệu quả ở các nhà trường; quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở các trường vùng dân tộc thiểu số, quyết tâm đạt thành tích cao trong năm học mới.

Huyện Ia H’Drai

Ia H' Drai
Khai giảng năm học mới ở huyện Ia H’Drai

Được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, năm học 2016 – 2017, gần 250 học sinh của Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai) được học trong ngôi trường mới khang trang và đầy đủ tiện nghi. Thầy và trò Trường THCS Trần Quốc Tuấn quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một huyện mới thành lập, cơ sở vật chất cho giáo dục còn thiếu và chưa đồng bộ, ngay sau khi nghỉ hè, huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn rà soát điều kiện cở sở vật chất, trang thiết bị dạy học, có kế hoạch mua sắm, bổ sung, sửa chữa trường lớp; đặc biệt là các điều kiện để tổ chức nơi ăn, ở, phòng học cho các trường có học sinh bán trú.

Năm học mới 2016 – 2017, huyện Ia H’Drai có 7 trường học, gồm 3 trường mầm non, 3 trường tiểu học, 1 trường THCS, tổng số học sinh gần 1.500 em, với 92 lớp. Để đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo và đạt các chỉ tiêu của năm học mới, huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy và phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong ngành giáo dục; triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo.

Trong niềm hân hoan, những bước chân rộn ràng đến trường của học sinh và những nỗ lực, niềm tin của các thầy, cô giáo huyện biên giới Ia H’Drai đang hứa hẹn một năm học mới với nhiều thành công.

Nhóm phóng viên Thời sự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *