(kontumtv.vn) – Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bảo đảm lợi ích chung và công bằng.

Hôm nay (17/8), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa,  Trường đại học Phạm Văn Đồng và Đại học Nha Trang đã tổ chức Hội thảo quốc tế về “Quy chế pháp lý của Đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn ở Biển Đông”.

cac quoc gia can ton trong phan quyet cua toa trong tai quoc te hinh 0
Hội thảo thu hút nhiều học giả quan tâm đến biển Đông

Gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước, nêu lên những  minh chứng khoa học, lý lẽ thuyết phục góp phần khẳng định  mạnh mẽ những quy chế pháp lý quốc tế về Biển Đông và chủ quyền toàn vẹn của Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, việc Trung Quốc trong thời gian qua tiếp tục gia tăng các hành động đơn phương, đẩy nhanh quá trình quân sự hóa ở khu vực Biển Đông đã gây quan ngại sâu sắc cho các nước.

Bên cạnh đó, việc Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7 vừa qua đã ra phán quyết cuối cùng, mang tính ràng buộc các bên trong vụ kiện đã mang đến những cơ hội mới cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp.

Các đại biểu đều chung nhận định: Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc là một phán quyết chuẩn mực, có tính lịch sử, khẳng định sự đúng đắn của các quy tắc pháp lý về biển.

Tiến sỹ Erik Franckx, thành viên Toà thường trực PCA, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu, Đại học Vrije, Vương quốc Bỉ cho rằng Trung Quốc luôn tự cho rằng có quyền không chấp nhận các phán quyết quốc tế, dựa trên nền tảng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là không không phù hợp với quy chế hoạt động của một nước là thành viên của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Mặc dù Trung Quốc có tự tách mình ra nhưng  các phán quyết của tòa quốc tế cũng đã có hiệu ứng tốt, tạo ra khuôn khổ pháp lý để đàm phán giữa các nước liên quan.

Quy chế pháp lý của các thực thể ở Biển Đông theo quy định luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 là không thể chối bỏ được.

Tiến sỹ Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ cho biết, Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế bảo đảm lợi ích chung và công bằng.

Thời gian qua, việc Trung Quốc tiến hành bồi đắp quy mô lớn, xây dựng các đảo nhân tạo và đẩy mạnh hoạt động quân sự hoá trên các đảo nhân tạo đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, đe dọa nghiêm trọng đến hoà bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Trong bối cảnh đó, vai trò của việc giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đang trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phán quyết ngày 12/7 vừa qua của Tòa trọng tài đã góp phần làm rõ cơ sở pháp lý yêu sách cũng như các hoạt động trên biển của các bên tranh chấp, do đó, nhiều học giả cho rằng, khu vực Biển Đông sẽ có nhiều cơ hội để giải quyết các tranh chấp còn tồn tại cũng như mở ra cơ hội mới cho việc hợp tác.

Ông Nguyễn Quý Bính, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, Biển Đông liên quan đến hàng hải và hàng không quốc tế, vùng biển tự do đi lại, những tranh chấp không giải quyết được tốt sẽ làm leo thang xung đột. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất to lớn đến môi trường toàn bộ khu vực, kể cả Trung Quốc./.

Thái Bình/VOV-miền Trung

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *