(kontumtv.vn) – Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003) nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều bất cập.

Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng, quan hệ chặt chẽ với các chính sách khác trong hệ thống chính sách kinh tế – xã hội, liên quan trực tiếp đến các cân đối kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua 4 lần cải cách (năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003), trong đó cải cách chính sách tiền lương năm 1993 đã thực hiện đường lối đổi mới theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ và được tiếp tục điều chỉnh, cải cách từ năm 2003.

cai cach tien luong 4 lan cai cach sua doi van con nhieu bat cap hinh 1
 Mức lương cơ sở còn thấp, chưa bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. (Ảnh minh họa)

Trong quá trình thực hiện, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung chính sách tiền lương. Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách, pháp luật về tiền lương theo nguyên tắc coi tiền lương là giá cả sức lao động hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng lao động có hiệu quả hơn, người lao động có việc làm, tiền lương, thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.

Thực hiện Kết luận số 23-KL/TW ngày 29/5/2012 của Hội nghị Trung ương 5 và Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI), nước ta đã từng bước hoàn thiện cơ chế quy định mức lương tối thiểu vùng và chế độ tiền lương của khu vực doanh nghiệp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; đã thực hiện nguyên tắc chỉ điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực, không ban hành mới các chế độ phụ cấp theo nghề, triển khai xây dựng danh mục vị trí việc làm tạo cơ sở cho việc trả lương…

Bên cạnh ưu điểm và kết quả đạt được, chính sách tiền lương của ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, còn bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc của người lao động; quy định mức lương bằng hệ số nhân với mức lương cơ sở còn thấp hơn khu vực doanh nghiệp, chưa bảo đảm đời sống và chưa là nguồn thu nhập chính của người hưởng lương; có quá nhiều loại phụ cấp; tiền lương tính theo chế độ thấp nhưng có nhiều trường hợp các khoản thu nhập ngoài lương từ chi phí hoạt động hành chính chiếm tỷ lệ lớn trong tổng thu nhập của cán bộ, công chức.

Tiền lương trong các loại hình doanh nghiệp chưa phản ánh đúng quan hệ phân phối trong kinh tế thị trường, chưa tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước; việc Nhà nước quy định một số nguyên tắc về xây dựng thang, bảng lương đã can thiệp vào quyền tự chủ tiền lương của doanh nghiệp; chưa phát huy được tác dụng của cơ chế thương lượng, định đoạt tiền lương giữa người sử dụng lao động và người lao động trong quan hệ lao động; cơ chế quản lý tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự gắn tiền lương của người lao động với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh…

Những hạn chế, bất cập nêu trên có nguyên nhân khách quan từ nội lực của nền kinh tế còn yếu, đang trong quá trình chuyển đổi và hội nhập quốc tế từ nước nghèo trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp; chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; tích lũy còn ít, nguồn lực còn hạn chế, nợ công đã ở sát giới hạn cho phép, không còn nhiều dư địa chính sách, trong khi phải ưu tiên bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh…

Tuy nhiên, nhìn một cách nghiêm túc và bao quát, có thể khẳng định nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tiền lương là vấn đề phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội, việc hoạch định, điều chỉnh chính sách rất khó và dễ phát sinh những bất hợp lý; việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương còn chậm do tư duy đổi mới chưa theo kịp sự phát triển, còn tư tưởng bình quân, cào bằng; chưa có nghiên cứu toàn diện về chính sách tiền lương trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị còn cồng kềnh, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; số lượng đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập tăng nhanh, làm cho đối tượng hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước quá lớn và ngày càng tăng.

Việc xác định vị trí việc làm còn chậm, chưa thực sự làm cơ sở để xác định biên chế và trả lương. Nguồn kinh phí được giao tự chủ trong tổng chi ngân sách Nhà nước cấp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng các khoản chi hoạt động hành hành chính để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức viên chức khá lớn và trở thành phổ biến.

Chưa phân biệt rõ chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và chính sách ưu đãi người có công; việc điều chỉnh tiền lương gắn với điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công dẫn đến thay đổi lộ trình của từng chính sách.

Chưa phân định rõ mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp, giữa đại diện chủ sở hữu với ban hành điều hành doanh nghiệp trong quản lý, giám sát tiền lương tại doanh nghiệp.

Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, hệ thống thông tin thị trường lao động, tiền lương, năng lực thương lượng về tiền lương của người lao động trong ký kết hợp đồng lao động và việc phát huy vai trò của tổ chức công đoàn còn hạn chế.

Công tác hướng dẫn, tuyên truyền về chính sách tiền lương chưa tốt, dẫn đến việc xây dựng và thực hiện một số chính sách còn chưa tạo được đồng thuận cao, nhất là về việc đổi mới tổ chức, quản lý và cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng chính sách và người nghèo trong thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ phí (giá) dịch vụ./.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *