(kontumtv.vn) – “Để chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép phải có lộ trình, do đó hết quá tải bệnh viện trong năm 2015 là điều không thể”, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khẳng định.
Nỗ lực, nhưng phải có lộ trình!
Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố danh sách 13 bệnh viện Trung ương đăng ký dứt điểm tình trạng bệnh nhân nằm ghép ngay trước ngày Thầy thuốc Việt Nam – 27/2/2015.
Sau đó, từ nay tới cuối năm, theo dự tính sẽ có thêm 25 bệnh viện Trung ương nữa giải quyết xong tình trạng quá tải.
Tại TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy và Nhi Đồng 1 là những “điểm nóng” về quá tải. Mặc dù đã có những biện pháp cải thiện, nhưng một số đơn vị cho biết, rất khó giảm tải kịp trong năm nay
Cụ thể, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lượng bệnh nhân nội trú mỗi ngày hơn 1.400 ca, nhưng chỉ tiêu giường bệnh chỉ hơn 600. Như vậy, tình trạng nằm ghép 2 – 3 người/giường là tất yếu.
Quá tải tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: Thanh Huyền. |
Trả lời phóng viên về tiến độ giảm tải của bệnh viện, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết: “Trong năm nay không thể giải quyết xong quá tải được. Muốn chấm dứt được quá tải bệnh viện phải có lộ trình bằng các biện pháp như xây dựng thêm cơ sở mới. Bệnh viện đã có kế hoạch xây Bệnh viện Ung bướu TP. 2 tại quận 9 vào tháng 4 năm nay.”
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, theo ghi nhận, tình trạng bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang, nằm ghép vẫn xảy ra. Trầm trọng nhất là khoa hô hấp, có giường phải gánh tới 4 bé. Quá nóng nực, bất tiện, nhiều phụ huynh bế con ra hành lang, trải chiếu nằm cho thoáng.
Chị Thủy, có con điều trị viêm phổi chia sẻ: “Đông bệnh nhân quá, con tôi phải nằm ghép với 2 cháu nữa, còn nhỏ nên các cháu nằm ngang. Thấy con đã bệnh, chích kháng sinh mệt lả lại nằm chung đụng chật chội, bố cháu phải mua chiếc chiếu, đem ra hành lang trải cho con…”.
Thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đang có hơn 1.500 bệnh nhi nội trú, nhưng chỉ có 1.400 giường. Điều đó có nghĩa trên 100 bé phải nằm ghép.
Quá tải tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Thanh Huyền. |
Không chỉ riêng khu vực phía Nam mà trên cả nước, Bệnh viện Chợ Rẫy là “điểm nóng” về quá tải. Đặc biệt, lượng bệnh nhân tới khám và điều trị nội trú tại bệnh viện này ngày một gia tăng.
Năm 2013, bệnh viện tiếp nhận 117.803 lượt bệnh nhân nội trú, năm 2014 là 123.189 lượt, tăng khoảng 5%.
Bệnh viện đã nỗ lực thực hiện rất nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng nằm ghép. Bệnh viện có 1.800 giường, lượng bệnh nhân nội trú luôn ở mức từ trên 2.500 ca.
Ban giám đốc bệnh viện đã chỉ đạo kê thêm các băng ca ngoài hành lang, cải tạo, che chắn lại hành lang để bệnh nhân được thoải mái hơn.
600 chiếc băng ca đã được bố trí thêm, giải quyết được đáng kể, nhưng vẫn không tránh khỏi cỡ 100 trường hợp còn nằm ghép.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ban giám đốc bệnh viện hy vọng sẽ chấm dứt được tình trạng nằm ghép vào cuối năm 2015, khi trung tâm ung bướu quy mô 250 giường của bệnh viện đi vào hoạt động.
Dân lo vì bác sĩ cho… xuất viện sớm
Nỗ lực giảm tải bệnh viện của ngành y là một điều đáng mừng nhưng không ít bệnh nhân còn hồ nghi và băn khoăn.
Anh Nguyễn Văn Huân, có con đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chia sẻ: “Bé nhà tôi 3 tuổi. Cháu bị sốt cao liên tục 39 – 40 độ C không hạ. Đêm tôi đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu, bác sĩ hướng dẫn lau mình nước ấm rồi cho uống thuốc hạ sốt, nằm theo dõi đến sáng. Sáng bác sĩ thay ca, khám lại, bảo cháu bị sốt siêu vi, tốt nhất nên về nhà điều trị ngoại trú, nhập viện quá tải, không cần thiết. Bé đang sốt cao khó hạ, nếu được nhập viện gia đình sẽ yên tâm hơn. Nhỡ để bé ở nhà biến chứng thì sao?”.
Hay chị Lê Thùy, có con bị sốt xuất huyết băn khoăn: “Bé bị sốt xuất huyết, ban đầu bác sĩ bảo phải nằm viện 1 tuần. Tới nay bé nhập viện đã được 4 ngày. Bác sĩ nói tôi có thể làm thủ tục cho con xuất viện, tiếp tục điều trị ngoại trú. Tôi nghĩ sao không điều trị đủ 7 ngày như dự tính mà lại cho xuất viện sớm. Có khi nào vì quá tải nên họ đẩy mình ra viện cho mau? Xuất viện sớm như vậy, nhỡ sức khỏe bé có gì bất thường, trở tay không kịp thì sao?”.
Chung tư tưởng lo lắng như anh Huân và chị Thùy, chị Trần Thị Mỹ, sống tại quận 10, TP.HCM nhìn nhận: “Ngành y tế nỗ lực giảm tải bệnh viện là điều tốt, nhưng theo tôi nên có thời gian và lộ trình từng bước. Tôi chỉ sợ ngành tạo áp lực trong năm 2015 gấp gáp quá khiến các bệnh viện hạn chế cho nhập viện. Vì chạy theo thành tích mà một số đơn vị làm việc máy móc, chịu thiệt cuối cùng chính là người dân.”
Thanh Huyền/Vietnamnet