(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cán bộ thi hành án dân sự phải thực sự liêm chính, giữ vững phẩm chất, không được phép làm sai lệch bản chất vụ việc, làm trái pháp luật, lệch công lý; cơ quan thi hành án phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động.

Chiều 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự (THADS) năm 2018. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

C11A0823
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Còn hiện tượng trên “quyết liệt”, dưới “thờ ơ”

Theo ông Hoàng Văn Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho biết: Năm 2017, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo các cơ quan THADS hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, số vụ việc tăng và số tiền thụ lý tăng cao nhất từ trước đến nay (gần 173 nghìn tỷ đồng), song toàn hệ thống đã thi hành xong số việc, số tiền cao hơn so với năm 2016 (tăng gần 19 nghìn việc và hơn 6 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, Tổng cục cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành án. Toàn hệ thống chỉ đạt 2/4 chỉ tiêu cơ bản là về việc và về tiền. Số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền (gần 57.000 tỷ đồng, chiếm 34,68% tổng số phải thi hành). Số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm. Đặc biệt việc triển khai Phần mềm quản lý THADS còn rất chậm. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm. Còn hiện tượng trên “quyết liệt”, ở dưới một số nơi, nhất là cấp cơ sở, vẫn “thờ ơ”, chưa làm tròn nhiệm vụ.

Đề cập đến việc thi hành án hành chính tồn đọng quá nhiều trong năm qua, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Thị Thuý Hiền cho rằng có tâm lý do dự, nể nang trong thi hành án, điều này cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cho rằng, để đạt được kết quả cao thì phải thực sự quan tâm đến việc xác minh điều kiện thi hành án để có giải pháp hữu hiệu đối với quá trình THADS. Đáng nói, công tác kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án là một trong những vấn đề gây khiếu nại, tố cáo trong quá trình THADS, gây bức xúc trong nhân dân. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái cho rằng, các sai sót xảy ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ một phần do áp lực công việc nhiều và một phần do chủ quan của cán bộ thi hành án. Do đó, cần nhận diện chính xác tình hình của từng đơn vị, cơ quan xem yếu kém ở điểm nào, nguyên nhân vì sao để có giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.

Phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Những kết quả THADS, thi hành án hành chính đạt được trong năm 2017 đã góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân; giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Báo cáo công tác thi hành án năm 2017 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua đã được các đại biểu Quốc hội ghi nhận.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém, bất cập mà hệ thống THADS cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là số việc, số tiền có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau còn nhiều, gần 144 nghìn việc và gần 57 nghìn tỷ đồng; số vụ việc thi hành án hành chính xong còn đạt tỷ lệ thấp (76,45%).

“Hiện tượng này cho thấy kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa nghiêm; việc áp dụng biện pháp cưỡng chế còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh khiếu nại phức tạp, kéo dài; còn số lượng khá lớn tài sản chưa bán đấu giá thành hoặc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị hệ thống THADS cần tiếp tục tổ chức nghiên cứu, triển khai hiệu quả những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Chính phủ trong hoạt động THADS, thi hành án hành chính. Hiện nay, yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế đang đặt ra nhiều đòi hỏi.Cùng với đó, thủ trưởng một số cơ quan thi hành án chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác đối thoại, tiếp công dân, không xử lý dứt điểm vụ việc từ cơ sở dẫn đến khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài còn chậm; công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và công tác chuyên môn còn chậm, chưa tạo chuyển biến rõ rệt, nhất là ở cấp Chi cục.

Chính phủ đã đặt ra mục tiêu rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống 300 ngày trong năm 2017 và dưới 200 ngày đến năm 2020; rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020.

“Bộ Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan thi hành án cần phải thay đổi tư duy, nhận thức và hành động như thế nào để tinh gọn thủ tục thi hành án, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề.

Báo cáo Thủ tướng các tỉnh chưa thi hành xong

Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống cơ quan THADS nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội. Năm 2018, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thành, nâng cao chỉ tiêu về việc, số tiền, đặc biệt là trong thu hồi tiền, tài sản cho ngân sách nhà nước trong những vụ án tham nhũng, kinh tế và thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng. Các cơ quan thi hành án cần tiếp tục tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn hệ thống.

Bộ Tư pháp cần tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thi hành án hành chính; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật. Trước mắt, báo cáo Thủ tướng Chính phủ danh sách các UBND cấp tỉnh chưa thi hành xong bản án, quyết định của tòa án để chỉ đạo thực hiện. Đồng thời với việc công khai giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan THADS phải tập trung giải quyết các khiếu nại, tố cáo với tinh thần trách nhiệm cao, đúng pháp luật, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, hạn chế phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài.

Các cơ quan thi hành án phải đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả việc cung cấp dịch vụ trực tuyến đối với một số thủ tục hành chính. Đặc biệt, từ năm 2018, toàn hệ thống phải vận hành và thực hiện nghiêm túc Phần mềm quản lý THADS.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị TANDTC tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc chuyển giao bản án, quyết định; nhanh chóng giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định phần sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong tài sản chung của hộ gia đình; giải quyết đúng thời hạn đối với các kiến nghị của cơ quan THADS; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi.

Phó Thủ tướng đề nghị Viện KSNDTC quan tâm kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành án, đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính.

Đặc biệt, Bộ Công an, Viện KSNDTC, TANDTC phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thực hiện phong tỏa tài sản đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, tránh tẩu tán tài sản.

Một trong những mối quan tâm lớn của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ là việc xây dựng cơ chế tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của Hệ thống THADS cũng như sự kiểm tra, kiểm sát, giám sát của các cơ quan khác như Uỷ ban Kiểm tra, Viện kiểm sát đối với công tác THADS, bảo đảm sự tuân thủ chấp hành pháp luật.

Hệ thống THSDS cần phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền tốt về công tác THADS. Khuyến khích việc thoả thuận giữa người phải thi hành án và người được thi hành án trên cơ sở không trái pháp luật, không vi phạm đạo đức, giảm bớt gánh nặng cho các cơ quan THADS.

“Chú ý công tác xây dựng ngành bảo đảm từng cán bộ các bộ phận trong cơ quan THADS phải trong sạch, vững mạnh, bảo vệ pháp chế và công lý phải được thực thi đến cùng. Do đó, cán bộ THADS phải thực sự liêm chính, giữ vững phẩm chất, không được phép làm sai lệch bản chất vụ việc, làm trái pháp luật, lệch công lý trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản thi hành án, không để lợi ích và quyền lợi riêng tư xen vào trong việc kê biên, bán đấu giá tài sản. Chúng ta rất đau lòng vì có những cán bộ THADS vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Lê Sơn/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *