(kontumtv.vn) – Đái tháo đường là một căn bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và làm cho người bệnh phải tốn rất nhiều chi phí trong quá trình điều trị bệnh. Đáng lo ngại hơn là trong những năm gần đây, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum có chiều hướng gia tăng. Do vậy người dân cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này.

Cũng như đa số bệnh nhân khác, khi được bác sỹ chẩn đoán mắc đái tháo đường thì bệnh của ông Nguyễn Minh Vương (thôn 1A, xã Đăk La, Đăk Hà) đã nặng. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, ông đã nhiều lần  nhập viện để điều trị. Hiện ông đang được điều trị tích cực để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Ông Vương nói: “Bệnh tiểu đường thì mắc năm 2015, sau khi bị viêm tụy, đi khám bác sỹ mới phát hiện ra bệnh tiểu đường. Bệnh này trước đây chưa hiểu lắm, nhưng sau khi phát hiện thì thấy bệnh tiểu đường rất nguy hiểm đến tính mạng. Nay tôi đang điều trị theo lộ trình của thuốc, giảm về thức ăn”.

Điều trị bệnh nhân đái tháo đường
Điều trị bệnh nhân đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý tăng lượng máu mãn tính, là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh như bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận… và sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm. Bác sỹ CKI Lê Văn Khánh, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon tum cho biết: “Đái tháo đường có 2 loại. Đái tháo đường tuyp 1 là loại phụ thuộc isulin, đái tháo đường tuyp 2 không phụ thộc isulin. Ngoài ra còn 1 loại nữa gọi là đái tháo đường thai kỳ, nhưng chủ yếu vẫn là đái tháo đường tuyp 1 và tuyp 2. Đối với đái tháo đường tuyp 1, nguyên nhân do sự tổn thương của tế bào tiếp islin ở tuyến tụy, trường hợp này thường xuất hiện ở người trẻ. Còn đái tháo đường tuyp 2 thì ngoài yếu tố di truyền, còn yếu tố của môi trường làm cho bệnh này xuất hiện, ví dụ như lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, ăn nhiều tinh bột, giảm ít chất xơ, những yếu tố đó làm cho đái tháo đường tuyp 2 xuất hiện”.

Năm 2015 có gần 7.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Thế nhưng chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016, đã có gần 8.900 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị căn bệnh này. Như vậy, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2016, số người đến khám và điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tăng hơn 1.400 lượt người so với cả năm 2015. Điều đáng lo ngại là có rất nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã nặng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Trước thực trạng này,  các bác sỹ khuyến cáo, người dân cần phải chủ động, tích cực phòng chống đái tháo đường bằng cách chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện theo tư vấn của cán bộ chuyên môn để phòng tránh mắc bệnh và biến chứng của căn bệnh này. Bác sỹ CKI Lê Văn Khánh nói: “ Xét nghiệm máu là cách duy nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Đối với những người có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động, những người làm ở các cơ quan nhà nước thì nên xét nghiệm định kỳ để phát hiện được tình trạng phơi nhiễm máu hay không, từ đó để có hướng điều trị. Bên cạnh đó phải tăng cường hoạt động thể lực, tập thể dục, ăn các chất xơ, giảm chất ngọt, giảm rượu bia”.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế, các triệu chứng thường thấy của bệnh đái tháo đường là: Rất khát nước và uống nước rất nhiều; đi tiểu tiện nhiều hơn bình thường; nhanh đói và ăn nhiều một cách bất thường; giảm cân nhiều trong một thời gian ngắn; khó tập trung làm việc hay học tập, cơ thể mệt mỏi, dễ nổi cáu; nhìn mờ.

Khi có những dấu hiệu này, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, hạn chế được những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

                                                                Thanh Tùng – Thanh Hà

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *