(kontumtv.vn) – Diện tích đất sản xuất và chăn nuôi của thôn Kon Hra Chót (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) hiện có khoảng 68 ha. Theo đề án quy hoạch, có gần một nửa diện tích đất này được thu hồi. Và khi đó, một lần nữa, vấn đề chuyển đổi ngành nghề cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được thực hiện chặt chẽ, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Trên 240 hộ dân với khoảng 1.300 nhân khẩu ĐBDTTS thôn Kon Hra Chót có không gian sinh sống khoảng 10 ha. Sẽ không quá chật chội và ô nhiễm nếu như các hộ dân không đưa tất cả vật nuôi vào khu vực nhà ở để nhốt. Với tập tính chuyên nông của bà con nên hầu như nhà ai cũng có nuôi bò. Vì vậy, chuồng nuôi ngay sát vách nhà ở đang phổ biến ở đây. Mùi hôi thối khắp nơi, ruồi muỗi sinh sôi, khu dân cư ô nhiễm là điều không thể tránh khỏi. Anh A Wưr, Thôn trưởng thôn Kon Hra Chót nói: “ Hiện tại đất thổ cư trong thôn chật chội không làm được chuồng trại nên phải đề nghị ra đất nông nghiệp để làm chuồng trại, nhưng bây giờ Nhà nước cũng cấm không cho làm, bởi vì nằm trong vùng quy hoạch hết”.

Khu dân cư thôn Kon Hra Chót
Khu dân cư thôn Kon Hra Chót

Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bà con thôn Kon Hra Chót đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, đến nay điều này dường như là không thể, vì phần lớn diện tích đất sản xuất họ có đều đang nằm trong quy hoạch. Ông A Dưng, người dân trong thôn nói: “Từ tình trạng mất đất, tôi không lấy tiền đâu mua giấy, bút cho các cháu đi học. Thứ hai các con tôi lấy ngành nghề gì làm, tại vì từ hồi giờ chỉ làm nông nghiệp hết, họ lấy gì sống sau này”.

Mặt khác, việc thu hồi đất sản xuất còn có tác động mạnh mẽ đến trên 70% lao động ĐBDTTS của thôn Kon Hra Chót. Chính quyền địa phương đã có nhiều phương án hỗ trợ, thường xuyên vận động nhân dân học nghề, chuyển đổi nghề, tuy nhiên đến nay công tác giải quyết việc làm cho người dân vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Nông Hồng Công, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: “Qua thống kê, rà soát hiện nay, số lao động trên địa bàn nói chung và thôn Kon Hra Chót nói riêng thì người có việc làm thường xuyên còn ít. Trong quá trình vận động nhân dân tham gia học nghề, thành phố đã tổ chức cho bà con đăng kí thì phường đã triển khai, nhưng số lượng tham gia, đặc biệt là thanh niên ở 2 làng rất ít. Quá trình triển khai thực hiện gặp rất nhiều khó khăn vì bà con đa số làm nông, thời gian học nghề kéo dài từ 3 đến 6 tháng, như vậy cuộc sống của họ trong thời gian này không đảm bảo, nên họ không tham gia”.

Nhờ những công trình mở rộng đô thị phía Nam trong những năm qua mà thành phố Kon Tum đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Tuy nhiên, để thành phố thực sự phát triển toàn diện và bền vững, chính quyền các cấp cần tìm hướng chuyển đổi ngành nghề hợp lý cho những hộ dân của thôn Kon Hra Chót trong thời gian tới.

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *