Cần những chế tài thật chặt chứ không chỉ hô hào nêu gương chung chung
27.11.2018kontumtv.vn- Cần những chế tài thật cụ thể và khả thi để có thể giám sát, đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên, không thể hô hào nêu gương một cách chung chung.
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các nội dung Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII) của Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn. Đội ngũ cán bộ còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, nhất là cấp cơ sở… Thực tế này tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề trong việc thực hiện “trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính giới thiệu về Quy định trách nhiệm nêu gương. (Ảnh: tuyengiao.vn) |
Thông tin tại Hội nghị này cho biết, gần 500 tổ chức Đảng và hàng nghìn cán bộ đảng viên cả đương chức và nghỉ hưu đã bị kỷ luật trong 2 năm qua. Đặc biệt, đã có 59 cán bộ diện trung ương quản lý bị thi hành kỷ luật, trong đó có 13 Ủy viên Trung ương và nguyên Ủy viên Trung ương, 1 Ủy viên Bộ Chính trị bị khai trừ. Mới đây nhất, phiên tòa xét xử cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh diễn ra trong hơn 10 ngày qua đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo ông Lê Như Tiến, đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, những con số và câu chuyện này gợi nhiều suy ngẫm về tình trạng thiếu gương mẫu của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên cao cấp và sự cấp thiết phải nhanh chóng thực hiện Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
“Nhân dân lâu nay vẫn nói chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống thì bây giờ thực sự là làm sạch từ đầu gội xuống. Dư luận xã hội đánh giá rất cao”, ông Tiến nói.
Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết quy định về nêu gương, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn suy thoái, tham nhũng, tiêu cực. Vậy nhưng thực tế, nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Như Tiến cho rằng, thực tiễn vừa qua, sự nêu gương còn hạn chế, làm cho cấp dưới nhờn. Người ta nói phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì hãy cứ làm từ trên xuống; nếu không làm được thì cấp dưới không bao giờ tâm phục khẩu phục. Quan trọng nhất là phải có những chế tài đủ mạnh, thậm chí phải có những án kỷ luật nghiêm khắc. Còn nếu kỷ luật cấp trên theo kiểu phê bình, xử lý nội bộ, chuyển công tác thì sẽ không bao giờ cấp dưới tâm phục khẩu phục.
Tại Hội nghị vừa qua, ông Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh tới việc nhận ra khuyết điểm và sửa sai bởi không ai có thể “nắm tay tới tối và gối đầu tới sáng”, làm nhiều sẽ sai nhiều, quan trọng là nhanh chóng nhận ra điều sai và có kế hoạch sửa chữa. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên không được để vợ hoặc chồng, bố mẹ, con cái hay anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; không để vợ hoặc chồng, con đẻ hay con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc là sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.
PGS.TS Vũ Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo bồi dưỡng cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định: Quy định lần này xác định rất cụ thể yêu cầu trách nhiệm nêu gương.
“Chúng tôi đã xây dựng Quy định tiếp cận với những tư tưởng của Hồ Chí Minh: Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền. Chúng tôi muốn xây dựng Quy định gắn với tấm gương như vậy. Bất kể cán bộ, đảng viên hay người dân khi soi vào đó đều cảm thấy cán bộ của ta thực sự trong sáng, được sự tin yêu của mọi người. Với mục đích như vậy, nội dung Quy định được bố cục theo nguyên lý có chung, có riêng, có xây, có chống, có cụ thể, có khái quát. Thực tế chúng ta thấy, ở quy định 101, quy định 55 không quy định cụ thể về đối tượng các ủy viên trung ương mà chỉ nói chung là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp. Sau khi Quy định 08 được ban hành, chúng ta sẽ có đồng thời 3 quy định phát huy hiệu lực, bao quát tất cả các đối tượng, điều chỉnh từ cán bộ cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước cho tới đảng viên bình thường”, ông Sơn thông tin thêm.
Quy định về trách nhiệm nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã đề cập đến việc chủ động xin từ chức khi không còn đủ năng lực, uy tín. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, vấn đề này được nêu ra nhiều lần và có thể sẽ cụ thể hóa việc từ chức bằng hình thức văn bản. Nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là cơ sở để hình thành văn hóa từ chức, vấn đề mà dư luận nhận thấy các vị quan chức bấy lâu nay rất hiếm khi nêu gương.
Một vấn đề quan trọng nữa là cần những chế tài thật cụ thể, chi tiết và khả thi để có thể giám sát, đánh giá, xếp loại cán bộ đảng viên, không thể hô hào nêu gương một cách chung chung.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Nội mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thông báo, tới đây, Trung ương sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thông tin này đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Tin chắc, một khi thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương, mỗi cán bộ, đảng viên , đặc biệt là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương sẽ tạo ra những chuyển động tích cực lên mọi mặt của đời sống xã hội, củng cố vững chắc niềm tin về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng./.
Hải Quân/VOV1