(kontumtv.vn) – Trong năm 2018, Kon Tum là địa phương có số người tử vong cao nhất trong cả nước vì bệnh dại. Vì vậy, cần phải có những hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn bệnh dại trên địa bàn.

Với tổng đàn gần 45.000 con chó, mèo trong toàn tỉnh, nhưng hiện chỉ có 29% trong số này được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại. Nguyên nhân việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo đạt thấp là do người nuôi còn chủ quan, xem nhẹ sự nguy hiểm của bệnh dại; do nhiều địa phương quan tâm chưa đúng mức đến công tác phòng chống bệnh dại. Bên cạnh đó, việc xử lý các vi phạm trong chăn nuôi chó mèo cũng chưa được thực hiện nghiêm. Ông Đoàn Thanh Mai, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Kon Tum cho biết: “Theo quy định của tiêm phòng dại đối với hộ chăn nuôi, thứ nhất khi chăn nuôi phải đăng ký với chính quyền địa phương về số lượng nuôi. Thứ hai phải thực hiện tiêm phòng dại đối với đàn chó nuôi. Thứ ba là không được thả rông và khi thả rông phải có người chăn dắt và rọ mõm”.

Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó
Tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó

Theo Nghị định 90/2017 của Bộ NN&PTNT, nếu chủ vật nuôi không tiêm phòng vắc xin phòng dại cho chó, mèo; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 600.000đ – 800.000đ. Mặc dù hệ thống pháp luật quy định khá chặt chẽ đối với công tác phòng chống bệnh dại, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 – 2021 vào tháng 2/2017, nhưng tỉ lệ người tử vong do bệnh dại trong cả nước còn rất lớn. Riêng tỉnh Kon Tum, trong 9 tháng đầu năm 2018 có đến 4 nạn nhân tử vong do bệnh dại. Nguyên nhân số người tử vong do bệnh dại cao phải kể đến kết quả tiêm vắc xin trên đàn chó, mèo đạt thấp. Kế đến là người dân còn chủ quan không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn hay cào cấu. Bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum nói: “Hiện nay thế giới đang bó tay vấn đề bệnh nhân bị mắc bệnh dại, bởi vì khi lên cơn dại rồi thì không thuốc gì có thể điều trị được. Bệnh dại dự phòng được chỉ có cách tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại. Đối với bệnh nhân khi bị chó mèo cắn, liếm trên da bị tổn thương thì phải đến bác sĩ để tư vấn tiêm vắc xin phòng dại là hiệu quả nhất”.

Hiệu quả của việc tiêm vắc xin phòng dại là rõ nét. Đơn cử trong 3 trường hợp bị chó dại cắn tại thôn Măng La Kơ Tu (xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) có 2 trường hợp đi tiêm vắc xin phòng dại hiện có sức khỏe bình thường; một trường hợp không đi tiêm phòng dại đã bị tử vong. Từ câu chuyện đau buồn này cho thấy nếu công tác phòng chống bệnh dại không được quan tâm đúng mức, nếu người dân còn lơ là, chủ quan trong phòng chống bệnh dại thì nguy cơ tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh sẽ còn rất cao.

Chủ đề Thế giới về công tác phòng chống bệnh dại năm nay là không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030. Đây cũng là mong mỏi của tất cả mọi người. Vì vậy mỗi người trong chúng ta hãy hành động cụ thể hơn trong công tác phòng chống bệnh dại. Hãy kê khai và tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo; hãy tiêm phòng đầy đủ nếu không may bị chó hoặc mèo cắn.

                                      Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *