(kontumtv.vn) – Quốc hội và các đoàn đại biểu QH cần có cơ chế khuyến khích ĐBQH phát biểu trong các buổi thảo luận ở tổ và tiếp xúc với cử tri.

Vấn đề được nhiều người quan tâm hơn cả trong đợt bầu cử Quốc hội lần này là về chất lượng ĐBQH. TS Sử học Trần Văn Miều, nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên Trung ương cho rằng, chất lượng của đại biểu Quốc hội là điều mong muốn và kỳ vọng của tất cả cử tri. Nhưng sự mong muốn và kỳ vọng đó, nhiều năm nay vẫn chưa đạt được. Chất lượng của từng đại biểu sẽ tạo nên chất lượng chung của Quốc hội. Do đó, việc nâng cao chất lượng của từng đại biểu là giải pháp quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng của Quốc hội khóa XIV.

Cần thực hiện tốt cơ chế tranh cử

Theo TS Trần Văn Miều, chất lượng ĐBQH được biểu thị bằng phẩm chất: đạo đức, lối sống, trí tuệ, lý tưởng, niềm tin, động cơ tham gia Quốc hội, kỹ năng xã hội; khả năng tư duy sáng tạo và giá trị như uy tín, sự tự tin, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, biết kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân với ích tập thể và lợi ích xã hôi, gần gũi, lắng nghe cử tri… của từng đại biểu. Như vậy, chất lượng ĐBQH được đo bằng những chỉ số định tính và chỉ số định lượng. Các chỉ số đó được tổ chức có trách nhiệm khái quát hóa thành những tiêu chuẩn để lựa chọn ĐBQH.

can tao dieu kien de dbqh noi "tieng noi cua minh" hinh 0
 TS Trần Văn Miều

“Theo tôi, các cơ quan có trách nhiệm cần bớt đi những tiêu chí đo bằng định tính và tăng lên những tiêu chí đo được bằng định lượng để bớt đi ý chí chủ quan khi lựa chọn người ra ứng cử”- ông Miều nói.

Theo TS Trần Văn Miềumuốn nâng cao chất lượng ĐBQH khóa XIV, cần thực hiện tốt cơ chế tranh cử. Cơ chế tranh cử chỉ cho cử tri biết người ấy về hình dáng, có trình độ hay không có trình độ, có kỹ năng tiếp xúc, kỹ năng nói trước đông người và kỹ năng phản hồi, chứ chưa đo đếm được chất lượng của ĐBQH trong một khóa Quốc hội. Mặt khác, trong khi tranh cử, cử tri khó đánh giá được chương trình hành động mà đại biểu đó trình bày. Trong thực tế, con người bao giờ cũng có xu hướng nói hay hơn làm, nói nhiều làm ít.

“Tôi cho rằng, chất lượng ĐBQH phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Trước hết, đó là các yếu tố chủ quan của người ứng cử, bao gồm: phẩm chất, khả năng và giá trị. Những yếu tố này được hình thành trong quá trình học tập, lao động, rèn luyện, nhất là trong nhiệm kỳ tham gia Quốc hội chứ không phải chỉ được hình thành trong thời gian tranh cử và bầu cử. Những yếu tố khách quan bao gồm: cơ chế lựa chọn và giới thiệu người ứng cử, cơ chế hoạt động tranh cử, môi trường làm việc của Quốc hội, chế độ bồi dưỡng và đào tạo năng lực cho ĐBQH, cơ chế giám sát của các cơ quan có trách nhiệm và của cử tri”- TS Trần Văn Miều nói.

TS Trần Văn Miều cho rằng, các yếu tố chủ quan và khách quan có mối quan hệ hữu cơ với nhau, không tách rời nhau và bổ sung cho nhau. Do đó, để nâng cao chất lượng ĐBQH, cần có nhiều giải pháp, trong đó rất quan trọng là giải pháp tự học và tự rèn luyện của đại biểu và chế độ bồi dưỡng, đào tạo của Quốc hội. Quốc hội cần có chương trình bồi dưỡng kỹ năng và đào tạo đại biểu có trình độ chuyên môn, nhất là trình độ pháp luật.

“Để có nhiều người ứng cử có chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn, theo tôi nên có hệ thống “sàng lọc” chặt chẽ từ cơ sở, từ cử tri và từ các tổ chức quần chúng nhân dân. Các cơ quan có trách nhiệm cần lắng nghe ý kiến của cử tri ở cơ sở và ý kiến của các tổ chức quần chúng nhân dân”- TS Trần Văn Miều đề xuất.

Cần tạo điều kiện để đại biểu nói tiếng nói của mình

Để đánh giá chất lượng ĐBQH tái ứng cử, nhiều ý kiến đề nghị những đại biểu tái cử nên về địa phương cũ để bầu cử. TS Trần Văn Miều cho biết, ông tán thành việc đưa những đại biểu tái cử về ứng cử ở những địa phương khóa trước đã ứng cử. Làm như vậy, cử tri sẽ lựa chọn được những đại biểu khóa trước có uy tín, đại diện được cho mình và tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Quốc hội. Cách làm này loại bỏ được việc thiếu khách quan khi bố trí đại biểu về ứng cử ở các địa phương.

can tao dieu kien de dbqh noi "tieng noi cua minh" hinh 1
Cần tạo điều kiện để đại biểu nói tiếng nói của mình

TS Trần Văn Miều cho rằng, hệ thống chính trị của Việt Nam, trong đó có Quốc hội khi bầu ban lãnh đạo đều phải tính đến cơ cấu. Cơ cấu là thể hiện tính đại diện cho các vùng, miền, giới tính, độ tuổi, dân tộc và tôn giáo… Vì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, của dân, do dân và vì dân nên không thể loại bỏ cơ cấu trong Quốc hội. Quốc hội phải là cơ quan đại diện cao nhất cho quyền và lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp dân cư trong xã hội. Xóa bỏ cơ cấu tức là xóa bỏ tính đại diện của ĐBQH.

“Tôi cho rằng, cần kết hợp tốt việc phân bổ đại biểu theo cơ cấu với việc lựa chọn nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn là thước đo quan trong để lựa chọn, giới thiệu và cử tri bầu vào Quốc hội. Nên thực hiện nguyên tắc trong một cơ cấu cần có nhiều người để lựa chọn và giới thiệu. Càng có nhiều người thì càng dễ tìm được người tiêu biểu nhất theo cách các cụ xưa đã làm: “Bó đũa chọn cột cờ”- TS Trần Văn Miều nói.

Tuy nhiên, theo TS Trần Văn Miều trong suốt nhiệm kỳ Đại biểu Quốc hội, cần có cơ chế để tránh trường hợp có ‘nghị gật” ở Hội trường như trong một số kỳ họp Quốc hội vừa qua.

“Hiện tượng này lỗi không hoàn toàn thuộc về ĐBQH, mà thuộc về lỗi  hệ thống. Bởi vì khi lựa chọn, chúng ta quá coi nặng về cơ cấu, mà xem nhẹ tiêu chuẩn. Quốc hội chưa quan tâm đúng mức đến việc bồi dưỡng và đạo tạo đại biểu Quốc hội có đủ năng lực tham gia vào các hoạt động của Quốc hội”- TS Trần Văn Miều nói.

TS Trần Văn Miều cho rằng, dư luận đang coi những người không phát biểu ý kiến ở các kỳ họp Quốc hội là “nghị gật”. Thực chất, “nghị gật” là những đại biểu không có lập trường, không có chính kiến, thường nói theo, làm theo người khác, họ thường bị ảnh hưởng của mặt trái tâm lý “đám đông” chi phối. Về bản chất “nghị gật” khác hoàn toàn so với những đại biểu gặp khó khăn trong phát biểu ý kiến trong các kỳ họp. Những đại biểu này ít hoặc cả nhiệm kỳ không phát biểu ý kiến là do họ thiếu tự tin, thiếu năng lực và thiếu kỹ năng nói trước đông người… “Chúng ta phải đặt lại câu hỏi: Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đã tạo điều kiện gì để những đại biểu này được nói tiếng nói của mình?”.

Theo TS Trần Văn Miều, Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội cần có một cơ chế hỗ trợ cho những đại biểu gặp khó khăn trong các kỳ họp của mình hơn là có cơ chế “giám sát” đánh giá ĐBQH. Cơ chế hỗ trợ những đại biểu còn gặp khó khăn là: đảm bảo chế độ thông tin sớm, hướng dẫn đọc tài liệu, gợi ý những nội dung cần tham gia. Các đoàn đại biểu Quốc hội tạo điều kiện để đại biểu tham gia các hoạt động, khuyến khích đại biểu phát biểu trong các buổi thảo luận ở tổ và tiếp xúc với cử tri. Từ đó, đại biểu Quốc hội sẽ có kỹ năng tham gia các hoạt động và kỹ năng nói trước đông người./.

Minh Hòa/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *