(kontumtv.vn) – Bệnh tim mạch là một trong những căn bệnh nguy hiểm, gây tử vong hàng đu. Thế nhưng phần lớn người dân vẫn chưa hiểu và chưa chủ động để phòng tránh căn bệnh này, do vậy tỷ lệ bệnh nhân mắc các bệnh tim mạch trong những năm gần đây ngày càng gia tăng.

Mặc dù bị mắc bệnh tim mạch rất nguy hiểm, nhưng trước đây ông Nguyễn Dưỡng (xã Đăk Mar, Đăk Hà, Kon Tum) hoàn toàn không biết gì về bệnh của mình. Cách đây 3 năm ông  phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, từ đó đến nay ông đã phải vất vả với căn bệnh. Ông Dưỡng nói: “Cách đây 3 năm, tôi đang xem bóng đá tự nhiên bị đau ngực, tôi không biết bệnh gì mà đau cả ngực, toát cả mồ hôi, các con tôi đưa đi cấp cứu. Bây giờ khi bệnh thì đến bệnh viện nhờ bác sỹ thôi”.

Khám, điều trị bệnh nhân tim mạch
Khám, điều trị bệnh nhân tim mạch

Bệnh tim mạch là một căn bệnh mãn tính, nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch thường liên quan đến việc tăng huyết áp. Tăng huyết áp đột ngột dễ dẫn đến các biến chứng về mạch vành, nhồi máu cơ tim gây đột tử cho bệnh nhân. Bà Đinh Thị Hảo, bệnh nhân tim mạch (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) cho biết: “Trước khi bị bệnh này người tôi hay bị đau đầu, chóng mặt, đi lại nó khó khăn, thứ hai nữa là ăn uống thất thường, người  nhiều khi cứ chóng mặt, đau đầu muốn xỉu luôn”.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh tim mạch đến khám và  điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tăng cao. Chỉ tính riêng trong 8  tháng đầu năm 2016, bình quân mỗi ngày, Khoa Tim mạch khám và điều trị ngoại trú  từ 150 đến 200 lượt bệnh nhân; bệnh nhân điều trị nội trú ở khoa luôn trong tình trạng quá tải, với khoảng trên 60 bệnh nhân/ngày. Đáng quan tâm là bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn còn  thờ ơ, chủ quan và thiếu kiến thức về phòng chống bệnh tim mạch.  Bác sỹ Phạm Minh, Trưởng Khoa Tim mạch – Lão khoa  Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nói: “Bệnh tim mạch thường để lại những di chứng rất nặng nề, nhưng cái nguy hiểm của bệnh tim mạch là ban đầu thường bệnh âm thầm, người bệnh chủ quan, không chú ý đến thể trạng sức khỏe của mình và lâu dần  sẽ gây ra những biến chứng rất trầm trọng. Ví dụ những bệnh nhân tăng huyết áp thì ban đầu bệnh gần như không có dấu hiệu gì cả, chỉ đau đầu hay chóng mặt sơ qua, hay mệt mỏi, nhưng để về lâu về dài sẽ gây những biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim”.

Dù không thể kiểm soát tất cả tác nhân dẫn đến bệnh tim mạch, song  có thể phòng ngừa được căn bệnh này, Bác sỹ Phạm Minh khuyến cáo: “Người bệnh nên có một lối sống lành mạnh, nhất là tăng cường vận động, đừng thụ động, ngồi một chỗ thì không tốt. Thứ hai là nên giảm lượng muối xuống, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, giảm bớt mỡ, đường, những yếu tố đó không tốt cho bệnh lý về tim mạch. Và một lời khuyên nữa là khi có dấu hiệu bất thường nên đến bác sỹ kiểm tra sức khỏe và có lời khuyên tốt, chứ đừng tự điều trị, đến một lúc nào đó gây ra biến chứng về tim mạch rất nguy hiểm”.

Chống lại bệnh tim mạch, mỗi một người cần trang bị cho mình kiến thức về y tế, rèn luyện thân thể, hạn chế những thói quen có hại cho sức khỏe.

                                                            Thanh Tùng – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *