(kontumtv.vn) – Sau hơn 2 năm nỗ lực tuyên truyền, kiên trì vận động của các cấp ngành, đến nay, phần lớn bà con thôn Plei Sar và Lâm Tùng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum đã nhận ra vụ việc chiếm đất của Nhà nước là vi phạm pháp luật. Khi đã hiểu được chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với bà con DTTS, người dân đã đồng thuận cùng chính quyền, doanh nghiệp tái canh cây cao su ngay trên mảnh đất này.

Cùng nhiều người dân khác trong thôn, chị Y Thái, ở thôn Plei Sar, xã Ia Chim nay đã được tiếp nhận vào làm công nhân của Nông trường Cao su Ia Chim. Trước đây, chị đã từng nghe theo lời kẻ xấu đi theo những người dân 2 thôn Plei Sar, Lâm Tùng chống đối không cho Nông trường Cao su Ia Chim xuống giống tái canh vườn cao su tại khu đất 209,8 ha trên địa bàn thôn, với lầm tưởng được chia đều một phần trong khu đất này như lời một số người trong thôn xúi giục. Sau khi được cán bộ, người có uy tín trong thôn tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, đây là đất của Nhà nước đã cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Kon Tum thuê trồng cao su, nay quá chu kỳ khai thác nên phải chặt để tái canh. Chị Y Thái đã hiểu được bản chất của sự việc, nhận ra những việc làm sai trái trước đây của mình. Giờ đây Y Thái không chỉ là những người đầu tiên đăng ký xin làm công nhân và đã được Nông trường Cao su Ia Chim chấp thuận, mà còn tích cực tuyên truyền các chị em, thanh niên trong thôn cùng tham gia để có cuộc sống ổn định hơn.

CAY CAO SU DA DUOC TAI CANH TREN VUNG DAT IA CHIM

 Đã qua cái tuổi 80, già làng A Lưih, thôn Plei Sar, xã Ia Chim đã thấm đẫm những khổ cực của thời trai trẻ. Ông cùng gia đình đã từng trải qua thời cơ cực, thiếu ăn, thiếu mặc trước đây; song cũng chính ông đã chứng kiến những đổi thay, no ấm của dân làng sau khi Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp đưa cây cao su về trồng, làm đổi thay cuộc đời của bao người. Già làng A Lưih nói: “Hồi trước khó lắm. Đói, không có quần áo. Hồi tôi còn nhỏ không có giày dép, đi học là đi bộ đau chân không có dép. Tới bây giờ, thấy mấy đứa nhỏ sướng lắm, bây giờ tôi thấy nhà nào cũng sướng. Đói không biết đói. Đói bây giờ là có cao su, có nguồn lợi từ mủ cao su bán mua gạo ăn có thiếu gì đâu, có đói gì đâu”.

Già làng A Lưih là người am hiểu dân làng, nhận thức rõ về những thành quả, những đổi thay to lớn trong cuộc sống của mình cũng như của dân làng trước đây nhờ đi theo Nhà nước, theo Nông trường làm công nhân chăm sóc cây cao su. Từ khi còn là cây con đến khi cây lớn đi lấy mủ đều có tiền lương mỗi tháng, trang trải đủ đầy cho gia đình. Chính vì vậy mà hơn 2 năm qua, kể từ khi sự việc xảy ra già làng A Lưih luôn tuyên truyền, vận động dân làng chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước. Mặc dù trong làng cũng có người không thích ông, muốn xa lánh ông, nhưng ông vẫn kiên trì vận động với mong muốn bà con dân làng có cuộc sống ấm no, yên ổn. Già làng A Lưih cho biết: “Ba năm nay tôi vận động bà con, có một số họ nghe, có một số họ tin tôi. Được, tốt. Nhưng cũng có một số họ chống đối, chửi tôi. Tôi cũng nghe thôi tôi không trả lời đâu. Tôi không nói lại nó đâu. Có người tốt thì thương mình, có người xấu sau này chắc họ cũng thương mình thôi”.

Người dân đã ủng hộ và cùng Công ty, Nông trường xuống giống tái canh xong diện tích 209,8 ha cao su và đang cùng chính quyền thành phố, xã, thôn khẩn trương san ủi làm đường giao thông tại lô 15, 16 để sớm giao đất cho các hộ dân chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo quy hoạch nông thôn mới của xã.  Ông Nguyễn Văn Vụ, Bí thư Đảng ủy xã Ia Chim nói: “Theo quan điểm chỉ đạo của trên, những hộ có đủ điều kiện để xét đất trong đợt này là những hộ có hộ khẩu thường trú tại địa bàn của thôn Plei Sar và thôn Lâm Tùng của xã Ia Chim hiện nay thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất thì xét. Thứ hai là những hộ hiện nay đã có hộ khẩu đang ở chung với gia đình, chưa có nhà ở hoặc ở tạm với cha mẹ thì chính quyền sẽ xem xét trong đợt này và tiếp tục xem xét trong đợt thứ hai”.

Khu quy hoạch dân cư có diện tích trên 28 ha, được UBND tỉnh thu hồi của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum để phân lô, giãn dân, tách hộ, lập vườn, giải quyết nhu cầu chính đáng về đất ở, đất sản xuất cho nhân dân. Trong đó có gần 3 ha đất dành để xây dựng công trình công cộng, phần còn lại làm đường, phân lô. Đến nay, đơn vị thi công đã cơ bản san ủi xong 3 tuyến đường là trục chính và 8 tuyến đường nhánh ngang. Hiện đã có 193 hộ dân làm đơn xin giao đất ở, đất sản xuất và đang được chính quyền rà soát xem xét giải quyết.

Cùng với việc quan tâm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân, cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và doanh nghiệp đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân 2 thôn Plei Sar, Lâm Tùng vào làm công nhân để chăm sóc vườn cao su tái canh như trước đây họ đã từng tham gia và đăng ký trồng xen cây ngắn ngày khi vườn cao su chưa khép tán để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum cho biết: “Để tạo điều kiện cho người dân ổn định về tư tưởng và an tâm làm việc về vấn đề tham gia làm việc trồng cao su công ty ủng hộ cho người dân là một người 50.000đ tiền ăn ngoài định mức lao động công ty vẫn chi trả. Vấn đề trồng xen canh trên cây cao su thì hỗ trợ người dân, ai đăng ký trồng xen thì công ty hỗ trợ 500.000đ trên một ha tiền mua giống năm đầu tiên để bà con có điều kiện trồng xen canh tốt”.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Nông trường Cao su Ia Chim đã tiếp nhận 49 công nhân mới vào làm cao su tại 2 thôn Plei Sar và Lâm Tùng; đồng thời đã nhận trên 100 đơn của người dân 2 thôn xin trồng xen canh cây ngắn ngày trong vườn cao su.

Sau 1 thời gian mất quá nhiều công sức vì những việc làm sai trái, vì chưa thấu hiểu hết chính sách của Nhà nước, giờ đây người dân thôn Plei Sar, Lâm Tùng đã nhận ra những việc làm của 1 số hộ là vi phạm pháp luật nên người dân càng tích cực lao động, sản xuất cùng với chính quyền, bà con trong xã thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

                    Quang Mẫn – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *