(kontumtv.vn)- Đương quy là cây dược liệu có giá trị cao, được người dân đưa vào trồng đại trà tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, do chưa đảm bảo về đầu ra của sản phẩm nên người dân hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Trồng 2 sào cây sâm dây và 2 sào cây đương quy từ năm 2016, anh A Thật (thôn Đăk Kinh 2, xã Ngọc Lây) cho biết, cả hai loại cây này đều cho năng suất và chất lượng rất tốt. Cây sâm dây có giá bán rất ổn định ở mức 150.000 đồng/kg tươi, còn đương quy thì giá cả lên xuống thất thường, nhiều khi không thể bán được vì thị trường không có nhu cầu. Vì vậy, gia đình anh A Thật dự kiến sẽ chỉ trồng thêm diện tích cây sâm dây trong mùa mưa 2018. Anh A Thật nói: “Sâm dây ổn định hơn so với đương quy. Sâm dây thu nhập thì quán nào cũng mua hết, chỉ tiếc là không có thôi, cây đương quy vừa rồi có trồng nhiều, thối hết, các quán không mua. Giá đương quy không ổn định, có lúc 10.000đ, có lúc 15.000đ, có lúc 70.000đ, không ổn định, thậm chí không biết bán chỗ nào nên bà con cũng ngại trồng”.

Thu hoạch đương qui
Thu hoạch đương qui

Hiện tại, các doanh nghiệp thu mua cây đương quy trên địa bàn xã Ngọc Lây chỉ đạt khoảng 70% sản lượng của người dân. Một số diện tích cây đương quy đã bước vào giai đoạn thu hoạch nhưng không thể xuất bán. Ông Nguyễn Minh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: “Cái khó của cây đương quy là trồng đã có sản phẩm nhưng đầu ra không đảm bảo được. Những năm vừa rồi xã tuyên truyền nhân dân làm đại trà trên địa bàn, nhưng khi thu hoạch thì không có doanh nghiệp, cơ quan nào đứng ra thu mua cho bà con, từ đó bà con cũng hạn chế trồng cây đó”.

Cây đương quy hiện nay chưa tìm được đầu ra ổn định là thực trạng xảy ra ở tất cả các xã trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nói: “Năm 2017, chúng tôi có làm một số diện tích đương quy, bà con đã trồng và phát triển. Cây thì lên tốt nhưng đầu ra thì gặp khó khăn. Một số các quán  người mua dao động từ 30.000 – 40.000đ/kg, do tiêu thụ chậm nên hiện bây giờ vẫn còn một số diện tích chưa có đầu ra. Chúng tôi cũng đang kêu gọi một số nhà sản xuất dược liệu để thu mua  cho bà con. Nếu đảm bảo được thì tới đây chúng tôi sẽ cho phát triển tiếp diện tích cây đương quy”.

Hiện tại, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh về lĩnh vực dược liệu trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông khá nhiều. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này chỉ dừng lại ở mức thu mua một phần sản phẩm của người dân khi thị trường có nhu cầu, chưa hình thành chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm với người dân. Vấn đề này dẫn đến giá cả cây dược liệu bấp bênh và không ổn định. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Thời gian tới, UBND huyện mong muốn được liên kết với các doanh nghiệp có thế mạnh tài chính, hoạt động ổn định, có kế hoạch liên kết với các hộ dân, hỗ trợ bà con về kỹ thuật, về giống và liên kết với hộ dân cùng phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đó mới là vấn đề lâu dài, mới giải quyết được căn cơ là vừa phát triển sản xuất vừa tiêu thụ sản phẩm”.

Việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm cây đương quy rất cần sự chung tay của các cơ quan chức năng, góp phần để người dân yên tâm sản xuất, nâng cao diện tích và vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *