(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện có hơn 6.240 người khuyết tật, trong đó 50% người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Trong những năm qua, cùng với sự chăm lo của Nhà nước, các cấp, ngành và sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện đáng kể. Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật, phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Minh Huệ, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh về vấn đề này.

PV: Thưa bà, với chức năng của Hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay Hội đã chú trọng triển khai những hoạt động gì nhằm giúp cho người khuyết tật cải thiện đời sống?

Bà Vũ Thị Minh Huệ: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngoài những công việc thường xuyên mà Hội phải làm thì Hội chú trọng vào 3 việc lớn, trong đó thứ nhất là Hội tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động. Trong công tác tuyên truyền, vận động thì chú trọng tuyên truyền, vận động bản thân người khuyết tật vươn lên tự xóa bớt mặc cảm, tự ti vươn lên để phấn đấu vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng; vận động các nhà tài trờ thường xuyên và mở rộng vận động các nhà hảo tâm trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng như các nhà từ thiện nước ngoài để duy trì và phát triển nguồn Quỹ Hội có tính bền vững để giúp cho người khuyết tật. Trong quá trình vận động hỗ trợ cho người khuyết tật, chúng tôi tập trung vào các việc, một là hỗ trợ sinh kế, trong hỗ trợ sinh kế gồm có hỗ trợ cây con giống, thứ hai là giúp cho họ thành lập các nhóm lao động sản xuất nhỏ phù hợp với người khuyết tật, thứ ba là hỗ trợ buôn bán nhỏ. Chúng cũng tôi tập trung hỗ trợ làm nhà ở để cho người khuyết tật có nơi sinh sống để yên tâm sản xuất và vươn lên.

Bà Vũ Thị Minh Huệ trả lời phỏng vấn của PV
Bà Vũ Thị Minh Huệ trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thông qua các hoạt động hỗ trợ sinh kế mà Hội đã triển khai như làm nhà ở, hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ mua bán nhỏ, phát triển sản xuất, đã giúp cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh cải thiện đời sống, hòa nhập cộng đồng như thế nào thưa bà?

Bà Vũ Thị Minh Huệ: Nhìn chung, qua việc được hỗ trợ, người khuyết tật đã nhận thức được và từ từ họ xóa tự ti, mạnh dạn hơn trong hòa nhập cộng đồng. Đó là được thứ nhất, cái thứ hai là họ tự vươn lên trong sản xuất, tôi lấy ví dụ như là trong quá trình hỗ trợ sinh kế hiện nay có khoảng 12-15% số người được hưởng thụ đã xóa nghèo. Trong đó tiêu biểu nhất là xã Đoàn Kết, có khoảng 24% số người đã xóa nghèo trong số người hưởng thụ sinh kế. Tác động xã hội trong vấn đề này là người này xóa nghèo rồi thì họ tuyên truyền vận động người khác làm theo, nên tác động xã hội rất lớn.

PV: Với những kết quả bước đầu đạt được như bà vừa trao đổi thì rõ ràng việc giúp đỡ tạo điều kiện cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống đóng vai trò rất quan trọng. Vậy trong thời gian đến Hội sẽ chú trọng triển khai những hoạt động gì để giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống?

Bà Vũ Thị Minh Huệ: Trong thời gian đến, chúng tôi thống nhất như thế này, những việc thường xuyên vẫn làm, nhưng chú trọng 2 cái chính. Thứ nhất là nếu như trong thời gian trước đây chúng tôi tuyên truyền, vận động thì nay chúng tôi phối hợp để tư vấn cho người khuyết tật, tư vấn cho họ cách sử dụng nguồn hỗ trợ, tư vấn cho họ cách để vươn lên cuộc sống như thế nào thì chúng tôi chú trọng vấn đề này, coi là tính bền vững. Nếu như người khuyết tật không tự vươn lên thì mình đưa bao nhiêu cũng hết, cho nên chúng tôi chú trọng việc này trong những năm tới. Chúng tôi vẫn duy trì và mở rộng hơn công tác vận động để giúp cho người khuyết tật là hộ nghèo. Chúng tôi nghĩ vận động được nguồn quỹ thì hỗ trợ có trọng tâm và trọng điểm, thiết thực với nhu cầu của người khuyết tật, có như vậy mới đem lại  hiệu quả có tính bền vững.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà về những thông tin vừa trao đổi.

Thanh Tùng – Công Luận

                                                                       

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *