(kontumtv.vn) – Cách đây 90 năm, ngày 25/9/1930, tại Ngục Kon Tum, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên đầu tiên của tỉnh Kon Tum đã được thành lập ngay trong nhà tù của thực dân Pháp. Sự kiện này đã mở ra một giai đoạn mới cho phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Đã thành truyền thống, mỗi độ Tết đến, xuân về và vào các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Kon Tum đều tổ chức lễ viếng, dâng hương, dâng hoa lên tượng đài các anh hùng liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum và thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ đã anh dũng  hy sinh trong cuộc đấu tranh Lưu huyết năm 1932. Đây là cuộc đấu tranh không cân sức giữa một bên là quân đội, chính quyền thực dân Pháp đầy đủ súng ống, nhà tù với những người công sản bị thực dân Pháp giam cầm. Đáng tự hào là phần thắng cuối cùng lại thuộc về những người tù cộng sản tay không với tinh thần cách mạng quyết thắng. Đại úy Nguyễn Văn Sâm, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Kon Tum nói: “Tết đến xuân về với tư cách là một đảng viên, hôm nay được ra đây dâng hương cho các liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc, bản thân thấy rất xúc động cảm thấy tự hào, mình thấy rõ trách nhiệm của mình phải cố gắng học tập, nâng cao phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phát huy những gì cha ông, thế hệ đi trước để lại”.

Cuộc đấu tranh Lưu huyết (mô hình trưng bày tại Ngục Kon Tum)
Cuộc đấu tranh Lưu huyết (mô hình trưng bày tại Ngục Kon Tum)

Sau cao trào cách mạng 1930-1931 ở các tỉnh miền Trung thất bại, chính quyền Pháp thực hiện chính sách đày ải, đàn áp, giết chóc những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chúng đưa đồng chí Ngô Đức Đệ cùng nhiều chiến sĩ cộng sản từ nhà lao Vinh- Nghệ An lên giam giữ tại ngục Kon Tum. Thực hiện một cách xuất sắc lời dạy của Bác Hồ, đó là “biến cái rủi thành cái may, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Đồng chí Ngô Đức Đệ và các chiến sĩ cộng sản đã cảm hóa được những cai, đội là người Việt Nam đi lính cho Pháp, giúp họ trở thành những người yêu nước tiến bộ rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đầu tiên được đồng chí Ngô Đức Đệ cảm hóa theo con đường cách mạng và cũng là người đầu tiên được kết nạp vào Đảng Cộng sản tại nhà lao Kon Tum là đồng chí Huỳnh Đăng Thơ (hay còn gọi là Đội Thơ). Sau Đội Thơ đến Cai Liễu và Đội Cừ tiếp tục được giác ngộ, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngày 25/9/1930, chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập ngay trong nhà lao của thực dân – đế quốc, với tên gọi là Chi bộ Binh. Tinh thần đấu tranh ngay trong chốn lao tù của chi bộ binh mãi là niềm tự hào, là bài học lịch sử đối với các thế hệ công dân của tỉnh Kon Tum. Ông Lê Phước Quý, Chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum nói: “Nơi đây thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum, chính vì điều này thể hiện được sức mạnh, ý chí chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ vì độc lập tự do của đất nước. Trước lịch sử vẻ vang và tấm lòng hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thế hệ chúng tôi phải biết học tập, học hỏi phục vụ công việc hết sức mình vào sự phát triển chung của đất nước”.

Ngay sau khi thành lập, các đảng viên Ngô Đức Đệ, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ thuộc Chi bộ Binh đã bí mật liên lạc với các đồng chí Lê Hữu Thiềm, Dương Văn Lan, Nguyễn Thị Hợi là những đảng viên thuộc xứ ủy Trung kỳ lánh sự truy bắt của mật thám địch lên định cư ở Kon Tum để thành lập thêm chi bộ cộng sản thứ 2 tại Kon Tum đó là Chi bộ Đường phố.

Cũng trong thời gian này, các đảng viên thuộc Chi bộ Binh đã khôn khéo, bí mật truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê Nin, lý tưởng cộng sản và phương pháp cách mạng ngay trong lòng nhà lao Kon Tum, đồng thời phối hợp với chi bộ đường phố tuyên truyền, giác ngộ cách mạng trong quần chúng nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, động viên quần chúng nhân dân hỗ trợ, giúp đỡ tù chính trị. Chính sự sáng suốt trong tuyên truyền vận động của Chi bộ Binh và Chi bộ Đường phố đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của một bộ phận binh lính cai ngục. Từ đó, anh em tù chính trị đã được họ đối xử có phần tử tế hơn. Cao trào của tinh thần cách mạng trong chốn lao tù đó là cuộc đấu tranh Lưu huyết diễn ra từ ngày 12-16/12/1931 tại cả 2 khu vực lao ngoài và lao trong. Cuộc đấu không cân sức này đã đem lại kết quả thắng lợi đó là thực dân Pháp buộc phải nhượng bộ, chấp hành từng phần các yêu sách của tù chính trị và từ bỏ ý định đưa tù chính trị đi làm đường 14.

Chín mươi năm trôi qua và tinh thần cách mạng của Chi bộ Binh mãi là ngọn đuốc sáng, là niềm tự hào của bao thế hệ người dân Kon Tum. Ông Huỳnh Đăng Hải, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thành phố Kon Tum, cháu nội ông Huỳnh Đăng Thơ nói: “Với tư cách là con cháu của cụ Huỳnh Đăng Thơ và con cháu của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở nơi này, thế hệ của chúng tôi và sau này phải phát huy truyền thống của Ngục Kon Tum bất khuất, đóng góp công sức để xây dựng tỉnh nhà nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng luôn luôn phát triển”.

Đã 90 năm trôi qua kể từ ngày đồng chí Huỳnh Đăng Thơ, công dân đầu tiên của tỉnh Kon Tum được đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm quan trọng của sự kiện này vẫn còn nguyên giá trị, đó là niềm tự hào, là bài học quý giá trên chặng đường đấu tranh cách mạng của quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi Đảng bộ tỉnh Kon Tum đã và đang nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2015-2020, chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *