Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập; khung giá bán lẻ điện bình quân đến 2015; khẩn trương xử lý hành vi trục lợi trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ;… là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần (từ ngày 11-15/11).

Sinh viên dân tộc thiểu số được hỗ trợ chi phí học tập

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, chính sách này áp dụng đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Nhà nước, thi đỗ vào học đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: Đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng.

Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên.

Quyết định này không áp dụng đối với sinh viên: Cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học

Khung giá bán lẻ điện bình quân đến 2015

Theo khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt, mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.437 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh.
Căn cứ vào khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân nêu trên, giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao hơn mức giá tối đa của khung giá, theo cơ chế điều chỉnh giá bán điện do Thủ tướng Chính phủ quy định và phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực.

Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân phù hợp với biến động của chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán điện, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

3 cấp độ hình thành và phát triển thị trường điện lực

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam, thị trường điện lực được hình thành và phát triển qua 3 cấp độ.

Cụ thể, cấp độ 1 – Thị trường phát điện cạnh tranh. Theo đó, tiếp tục thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh đến hết năm 2014.

Cấp độ 2 – Thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2015-2016, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm; từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Cấp độ 3 – Thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Cụ thể, từ năm 2021-2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm; từ sau năm 2023, thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Không đăng ký tàu biển quá 15 tuổi

Nghị định 161/2013/NĐ-CP quy định về đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển. Theo đó, tàu biển đã qua sử dụng đăng ký lần đầu tại Việt Nam phải có tuổi tàu không quá 15 tuổi, riêng tàu khách không quá 10 tuổi.

Quy định trên không áp dụng đối với tàu biển thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài được bán đấu giá tại Việt Nam theo quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Đình chỉ biểu diễn 3-6 tháng đối với người biểu diễn vi phạm

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo đó, đối với hành vi vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép;  thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức biểu diễn.

Cũng theo Nghị định, sẽ đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3-6 tháng đối với người biểu diễn có một trong các hành vi: Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá  tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hoá Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực,  tác phẩm bị cấm biểu diễn…

Phạt đến 20 triệu đồng nếu kinh doanh ngành nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi thuê người khác làm Giám đốc doanh nghiệp tư nhân nhưng không đăng ký.

Hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi không đăng ký thay đổi thành viên trong thời hạn quy định kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối theo quy định của pháp luật.

Triển khai hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp cho các cơ quan Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ đồng ý triển khai thực hiện dự án “Phát triển hệ thống thông tin quản lý văn bản tích hợp trong toàn quốc cho các cơ quan Chính phủ (e-Doc)” theo hình thức hợp tác Nhà nước – Doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông làm việc, thống nhất với doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện Dự án về mức cước thanh toán sử dụng dịch vụ theo hình thức trả cước tập trung; bảo đảm việc triển khai hệ thống e-Doc hiệu quả, tiết kiệm hơn so với việc gửi văn bản giấy hiện hành.

Phấn đấu xếp hạng 2-3 toàn đoàn tại SEA Games 2013

Theo Quy hoạch phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt, đối với Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), phấn đấu năm 2013 đạt 70-90 Huy chương Vàng, xếp hạng 2-3 toàn đoàn; các năm: 2015, 2017, 2019 xếp hạng 1-3 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng 1-2 toàn đoàn.

Đối với Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), phấn đấu năm 2014 đạt 2-3 Huy chương Vàng, xếp hạng 15-20 toàn đoàn; năm 2019 đạt 10-15 Huy chương Vàng, xếp hạng 10-15 toàn đoàn; giai đoạn 2020-2030, phấn đấu xếp hạng trong nhóm 10 nước dẫn đầu châu lục.

Còn đối với Thế vận hội Olympic, năm 2016, có 30-40 vận động viên tham dự, đạt 1-2 huy chương; giai đoạn 2020-2030 có 30-50 vận động viên tham dự, đạt trên 2 huy chương, phấn đấu có Huy chương Vàng.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch Vùng một cách toàn diện, đồng bộ; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng Bắc Trung Bộ.

Phấn đấu đến năm 2030, vùng Bắc Trung Bộ trở thành trọng điểm phát triển du lịch của cả nước, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm nghèo và   là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Đóng góp của du lịch trong GDP đạt 12.300 tỷ đồng, tương đương 600 triệu USD vào năm 2015; đạt 20.705 tỷ đồng, tương đương 1,01 tỷ USD vào năm 2020.

Tăng cường công tác giám định tư pháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác giám định tư pháp.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung chỉ đạo công tác kiện toàn tổ chức; đẩy mạnh triển khai các biện pháp xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tổ chức giám định tư pháp độc lập ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc…

Khẩn trương xử lý hành vi trục lợi trong tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Tại văn bản 9522/VPCP-KGVX ngày 11/11/2013, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Công an chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc xử lý kịp thời các hành vi trục lợi trong việc tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt  liệt sĩ.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và các địa phương trong việc thực hiện Quyết định 1237/QĐ-TTg ngày 27/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, bảo đảm tính khoa học, chính xác.

Hỗ trợ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu khó khăn trong cuộc sống

Tại Thông báo kết luận cuộc họp về thực hiện Kết luận số 59-KL/TW của Ban Bí thư với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đề nghị Ban Tổ chức Trung ương Đảng sớm thẩm định và phê duyệt danh sách theo đề nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam gửi Bộ Tài chính chuyển kinh phí để thực hiện, Bộ Y tế chỉ đạo việc khám chữa bệnh.

Về hỗ trợ sinh hoạt phí cho Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp Trung ương, tỉnh, huyện, đồng ý với đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ. Giao Bộ Tài chính, trong tháng 11 năm 2013 trình Thủ tướng Chính phủ có Quyết định mức hỗ trợ sinh hoạt phí cụ thể cho từng đối tượng ở Trung ương, tỉnh, huyện.

Về biên chế cán bộ chuyên trách Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan dự họp thống nhất về biên chế của Văn phòng Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp tỉnh theo hướng: Những nơi đã có thì tiếp tục thực hiện; những nơi chưa có thì cơ quan chủ quản xem xét cụ thể để bố trí người đáp ứng được yêu cầu công việc, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Nghiên cứu giải pháp ứng phó với siêu bão

Để nhanh chóng có các giải pháp tích cực và phù hợp nhằm tăng cường hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt, bão, đặc biệt là ứng phó với những cơn siêu bão nhiệt đới vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan nghiên cứu các giải pháp ứng phó với siêu bão.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình ứng phó của Trung ương, các địa phương trong cơn bão số 14 vừa qua, đặc biệt nghiên cứu đánh giá trường hợp của Philippines, đề xuất điều chỉnh, bổ sung các giải pháp hiệu quả hơn ứng phó với siêu bão, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu các giải pháp cần phải lưu ý tới việc xây dựng, cập nhật phương án phòng, chống lụt bão; phương án sơ tán dân; các giải pháp xây dựng cơ sở hạ tầng, chằng chống nhà cửa, đề xuất kết cấu nhà vùng bão; quản lý khai thác các hồ chứa.

Theo : Hoàng Diên/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *