(kontumtv.vn) – Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn; tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện; đơn giản hóa thủ tục bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 14-18/3/2016.

Ảnh minh họa

Các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ thời chiến

Nghị định 14/2016/NĐ-CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai đã được Chính phủ ban hành.

Trong đó, Nghị định quy định những trường hợp công dân đang làm việc trong các cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp; đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và một số trường hợp khác được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.

3 trường hợp tạm giữ người theo thủ tục hành chính

Theo Nghị định 17/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong 3 trường hợp: 1-  Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi: Gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác. 2- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong các trường hợp người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm; 3- Khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04/2/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Các lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA

Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 quy định rõ, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hỗ trợ bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP); Lĩnh vực ưu tiên khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn

Tại Chỉ thị về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung bảo đảm đời sống Nhân dân, tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện hỗ trợ theo quy định.

Triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp (lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho nhân dân…) nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của Nhân dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh.

Đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn (chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nạo vét kênh rạch khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt…) bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nhất là đối với lúa Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch, vườn cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản…

Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng nhà nước ở địa phương, ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại do thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định và tiếp tục cho vay để sớm phục hồi, phát triển sản xuất.

Tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện

Tại Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới bệnh viện ngoài công lập, hợp tác với các bệnh viện nhà nước.

Đơn giản hóa thủ tục bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ. Trong đó, đơn giản hóa thủ tục bảo vệ luận án và cấp bằng tiến sĩ.

Tiếp tục xác định thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí cũ

Tại Quyết định 12/2016/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo thời gian thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/7/2012 về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 – 2015 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/6/2014 về ban hành Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn cho đến khi quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này có hiệu lực.

Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016 – 2030.

Xây dựng ngành Than thành ngành công nghiệp phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 với mục tiêu xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.

Phát triển đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số

Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án sẽ tiến hành nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; chế độ chính sách trong đào tạo, bồi dưỡng; tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số;…

Tin học hóa giám định thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT

Thủ tướng Chính phủ đồng ý trước ngày 30/6/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thiết lập hệ thống giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT kết nối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.

Xác định trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan sự cố cầu An Thái

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Hải Dương tiếp tục chỉ đạo khắc phục sự cố, có biện pháp sửa chữa để bảo đảm an toàn kỹ thuật cho cầu An Thái, sớm đưa vào khai thác bình thường; đồng thời, chỉ đạo bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông.

UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Hoàng Diên/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *