(kontumtv.vn) – Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ; tăng mức cho vay đối với HSSV; nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không dân dụng… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 4-7/1/2016.

Chế độ chính sách đối với dân quân tự vệ

Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật dân quân tự vệ đã cụ thể hóa mức phụ cấp trách nhiệm đối với cán bộ, chỉ huy; chế độ phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền ăn, công tác phí, trợ cấp của Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã; phụ cấp của Thôn đội trưởng; hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại cho dân quân tự vệ; chế độ phụ cấp thâm niên; chế độ phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ làm nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo…

Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Nghị định này quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài.

Theo Nghị định, nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài. Tổ chức kinh tế chỉ được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác đầu tư cho các tổ chức được phép nhận ủy thác đầu tư theo quy định…

Được khai thác thông tin của mình trong CSDL quốc gia về dân cư

Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông.

Đây là quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân đã được Chính phủ ban hành.

Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 3/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Trong đó, Nghị định bổ sung quy định điều kiện đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc một trong các loại hình: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên…

Nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không dân dụng

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực bảo đảm an ninh hàng không dân dụng với mục tiêu xây dựng hệ thống bảo đảm an ninh hàng không vững mạnh, hiệu quả; lực lượng kiểm soát an ninh hàng không đủ năng lực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh hàng không đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp pháp luật Việt Nam…

Tăng mức cho vay đối với HSSV

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV). Theo đó, từ ngày 9/1/2016, mức cho vay tối đa đối với HSSV sẽ tăng từ 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV lên 1,25 triệu đồng/tháng/HSSV.

Hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người

Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, trung bình hằng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.

Chương trình cũng đặt mục tiêu trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động…

Phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 với mục tiêu chung là giảm nguy cơ mua bán người; giảm tội phạm mua bán người; thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Một trong những giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình là chỉ đạo, triển khai các lực lượng, tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm nâng cao tỷ lệ phát hiện, điều tra tội phạm mua bán người, tập trung triệt phá các tổ chức đường dây mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động hoặc vô nhân đạo.

Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn 2030

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát hội nhập quốc tế đến năm 2030 là nhằm góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Ngăn chặn, đẩy lùi lưu thông thực phẩm không an toàn

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu, trong năm 2016 cần có giải pháp cho vấn đề an toàn thực phẩm một cách căn cơ, tập trung giải quyết từ gốc, bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc lưu thông thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Phương Nhi/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *