Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 5-9/5/2014
11.05.2014(kontumtv.vn) – Tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên; hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong do bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết; 127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài; dừng ngay việc khai thác cầu treo đã xuống cấp;… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 5-9/5/2014.
Ảnh minh họa |
Tập trung vốn cho lĩnh vực ưu tiên
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng, theo kế hoạch đầu năm, đồng thời bảo đảm chất lượng tín dụng; giúp các doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ cũ để tăng khả năng tiếp cận tín dụng; tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế; tăng cường quản lý hoạt động của hệ thống ngân hàng, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các tỷ lệ an toàn đối với hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai quyết liệt Đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015; phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng.
Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương áp dụng các biện pháp khống chế dịch sởi, không để lây lan trên diện rộng; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục góp phần nâng cao ý thức tự phòng bệnh của người dân tại cộng đồng, khắc phục tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo dịch bệnh tại các cơ sở y tế tuyến trên…
Hạn chế thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong do bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết
Nhằm chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và tử vong, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tập trung chỉ đạo việc cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết tại các cơ sở y tế nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, phân loại cách ly nhằm ngăn ngừa lây chéo trong bệnh viện, đặc biệt là các cơ sở y tế tại các địa phương có số người mắc bệnh cao như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kon Tum, Cà Mau… khẩn trương dập dịch; thường xuyên cập nhật phương pháp phát hiện sớm, phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. Bảo đảm đủ trang thiết bị y tế, thuốc để cấp cứu điều trị bệnh nhân và chế độ đối với người làm công tác phòng, chống dịch.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế và các ngành liên quan thực hiện quyết liệt công tác cấp cứu, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh cũng như ngăn ngừa lây lan dịch bệnh tại cộng đồng và trong bệnh viện; khoanh vùng ổ dịch và xử lý triệt để không để lan rộng; triển khai các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; kiểm soát không để dịch bùng phát; bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.
127 dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài
Danh mục dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành gồm 127 Dự án, được chia thành 5 nhóm: Kết cấu hạ tầng kỹ thuật; kết cấu hạ tầng xã hội; nông nghiệp; bảo quản chế biến; các lĩnh vực sản xuất – dịch vụ.
Trong đó, nhóm dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm 51 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông (đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển); hạ tầng năng lượng; hạ tầng đô thị (gồm giao thông, cấp nước, xử lý chất thải rắn đô thị) và hạ tầng khu công nghiệp được kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Về kết cấu hạ tầng xã hội có 20 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giáo dục và đào tạo; hạ tầng y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao và du lịch.
Về nông nghiệp, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào 44 dự án của ngành nông nghiệp (trồng trọt và chăn nuôi), ngành thủy sản, ngành lâm nghiệp.
Lĩnh vực bảo quản chế biến có 8 dự án và các lĩnh vực sản xuất – dịch vụ có 4 dự án được kêu gọi đầu tư nước ngoài tới năm 2020.
Dừng ngay việc khai thác cầu treo đã xuống cấp nặng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các công trình cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn; dừng ngay việc khai thác đối với các cầu đã hết thời gian khai thác hoặc bị xuống cấp nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và tổ chức phương án giao thông thay thế, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.
Đồng thời, các tỉnh, thành phố cần chủ động bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương và Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương để sửa chữa, nâng cấp hoặc đầu tư mới thay thế các cầu yếu không đảm bảo an toàn giao thông.
Bên cạnh đó rà soát cắm lại biển báo hiệu tải trọng cho phù hợp với thực tế đối với các cầu tiếp tục khai thác; bổ sung các biện pháp phòng hộ đối với các vị trí cáp, ắc neo tăng đơ nếu thấy cần thiết.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương ban hành quy định quản lý, vận hành khai thác và bảo trì đối với các cầu treo và cầu dân sinh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong đầu tư, khai thác hệ thống cầu treo và cầu dân sinh trên địa bàn.
5 trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính
Theo Nghị định về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính, có 5 trường hợp chấm dứt trước hạn hợp đồng cho thuê tài chính gồm:
1- Bên thuê không thanh toán tiền thuê hoặc vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện khác là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
2- Bên thuê bị tuyên bố phá sản, giải thể.
3- Bên cho thuê vi phạm một trong các điều khoản, điều kiện là căn cứ chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính, được quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
4- Tài sản cho thuê bị mất, hỏng không thể phục hồi sửa chữa.
5- Bên cho thuê và bên thuê đồng ý để bên thuê thanh toán toàn bộ tiền thuê còn lại trước thời hạn thuê quy định trong hợp đồng cho thuê tài chính.
Bên cho thuê và bên thuê quy định cụ thể trong hợp đồng cho thuê tài chính việc chấm dứt hợp đồng cho thuê tài chính theo quy định.
10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố
Theo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện), có 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm: 1- Phòng Nội vụ; 2- Phòng Tư pháp; 3- Phòng Tài chính – Kế hoạch; 4- Phòng Tài nguyên và Môi trường; 5- Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; 6- Phòng Văn hoá và Thông tin; 7- Phòng Giáo dục và Đào tạo; 8- Phòng Y tế; 9- Thanh tra huyện; 10- Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND hoặc Văn phòng UBND nơi thí điểm không tổ chức HĐND.
Ngoài 10 cơ quan chuyên môn được tổ chức thống nhất ở tất cả các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nêu trên, tổ chức một số cơ quan chuyên môn để phù hợp với từng loại hình đơn vị hành chính cấp huyện. Cụ thể, ở các quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị; ở các huyện có phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng.
Riêng phòng Dân tộc, Nghị định quy định, việc thành lập Phòng Dân tộc do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định căn cứ tiêu chí quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 2 Nghị định 53/2004/NĐ-CP về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc thuộc UBND các cấp.
Về tổ chức các cơ quan chuyên môn ở các huyện đảo, Nghị định quy định, căn cứ vào các điều kiện cụ thể của từng huyện đảo, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện đảo. Số lượng cơ quan chuyên môn của UBND huyện đảo không quá 10 phòng.
Hỗ trợ phát triển dự án phát điện sử dụng chất thải rắn
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn tại Việt Nam, các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, đất đai, hỗ trợ giá điện.
Trong đó, nhà đầu tư được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư theo các quy định pháp luật hiện hành về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án phát điện sử dụng chất thải rắn được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.
Tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có Công điện yêu cầu tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải hàng hoá trên đường bộ.
Trong đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện trên cả nước.
Chủ tịch UBND, Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông vận tải thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện theo chức năng nhiệm vụ; duy trì hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động theo chế độ 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần; kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn bộ mạng lưới đường thuộc địa bàn bằng thiết bị cân xe hoặc kiểm tra hóa đơn hàng hóa, hợp đồng vận tải, vận đơn…; có phương án bảo vệ an ninh trật tự tại khu vực các Trạm kiểm tra tải trọng xe.
Giảm nghèo nhanh và bền vững hơn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững yêu cầu phải thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn trên cơ sở thực hiện toàn diện các giải pháp; ưu tiên tập trung cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số, cả về chính sách và nguồn lực đầu tư.
Về phân loại đối tượng, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phân loại đối tượng theo thứ tự ưu tiên: đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo; từng bước phân định rõ đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo.
Phân loại các nhóm đối tượng và có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với các nhóm đối tượng này; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không) đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo.
Hoàng Diên/Chinhjphu.vn