(kontumtv.vn) – Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại TCTD; cổ phần hóa 8 Tổng công ty; phân công soạn thảo 18 văn bản thi hành Luật, Pháp lệnh; triển khai Tháng cao điểm an toàn thực phẩm dịp Tết Giáp Ngọ;… là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần từ 6-10/1/2014.
Ảnh minh họa

Nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại TCTD

Chính phủ ban hành Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, trong đó, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo Nghị định 69/2007/NĐ-CP hiện đang áp dụng thì mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đó không vượt quá 15% vốn điều lệ của một ngân hàng Việt Nam.

Nghị định cũng nêu rõ, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cá nhân nước ngoài không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, trừ trường hợp nhà đầu tư chiến lược nước ngoài thì tỷ lệ này là không được vượt quá 20%.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng phi ngân hàng Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật đối với công ty đại chúng, công ty niêm yết.

Cổ phần hóa 8 Tổng công ty

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa 8 Tổng công ty: Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO1); Xây dựng công trình giao thông 4 (CIENCO4); Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO5); Xây dựng công trình giao thông 6 (CIENCO6); Xây dựng Hà Nội (HANCORP); Xây dựng đường thủy (VINAWACO); Xây dựng Thăng Long (TLG); Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI).

Phân công soạn thảo 18 văn bản thi hành Luật, Pháp lệnh

Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 và Pháp lệnh cảnh sát cơ động.

Theo đó, sẽ có 18 văn bản (gồm 17 Nghị định, 1 Quyết định) được soạn thảo, trình ban hành để quy định chi tiết thi hành 8 Luật, 1 Pháp lệnh gồm: Luật đấu thầu; Luật tiếp công dân; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật việc làm; Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi,bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật đất đai; Pháp lệnh cảnh sát cơ động.

Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo ưu tiên, tập trung bố trí đủ nhân lực và kinh phí cho việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản bảo đảm chất lượng và thời hạn trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cho phép có thể áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng, ban hành các văn bản nêu trên.

8 mục tiêu tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung ma trận chính sách năm 2014 thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC) có 8 mục tiêu tổng thể gồm: 1- Chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai và quan trắc khí hậu; 2- Đảm bảo an ninh nước và an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu; 3- Chủ động ứng phó với mực nước biển dâng tại những vùng dễ bị tổn thương; 4- Quản lý và phát triển rừng bền vững; 5- Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; 6- Tăng cường năng lực cho các cơ quan Chính phủ ứng phó với biến đổi khí hậu; 7- Nâng cao năng lực cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu; 8- Tăng cường đầu tư và đa dạng hóa các nguồn tài chính.

Điều kiện giảm thời hạn cai nghiện bắt buộc

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó quy định trường hợp giảm thời hạn cai nghiện đối với học viên tại cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cụ thể, học viên đã chấp hành một nửa thời hạn quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nếu có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được xét giảm một phần hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Học viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai trong thời gian chấp hành quyết định thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Trường hợp người đang chấp hành quyết định tại cơ sở cai nghiện bắt buộc ốm nặng có xác nhận của bệnh viện mà được đưa về gia đình điều trị thì được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; thời gian điều trị được tính vào thời gian chấp hành quyết định; sau khi sức khoẻ được phục hồi mà thời hạn chấp hành còn lại từ 3 tháng trở lên thì người đó phải tiếp tục chấp hành; trong thời gian tạm đình chỉ thi hành quyết định mà người đó có tiến bộ rõ rệt hoặc lập công thì được miễn chấp hành phần thời gian còn lại.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học theo 4 đối tượng

Theo Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 theo 8 vùng địa lý trên phạm vi cả nước (Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) theo 4 đối tượng, bao gồm: Hệ sinh thái tự nhiên, khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học và hành lang đa dạng sinh học.

Giai đoạn từ 2016-2020, định hướng quy hoạch thành lập mới 46 khu bảo tồn với diện tích khoảng 567.000 ha từ quỹ đất tăng thêm trên cơ sở kiến nghị điều chỉnh Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016-2020) cấp quốc gia được Quốc hội thông qua.

Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo chủ đề Năm An toàn giao thông 2014 “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Để triển khai thực hiện chủ đề Năm An toàn giao thông 2014, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách 2 tầng, xe giường nằm, trong đó quy định cụ thể về tuyến đường, khung giờ chạy xe, độ tuổi lái xe và bằng lái xe… đối với loại hình vận tải này; tiếp tục siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải đối với xe khách, xe container, xe tải nặng; khẩn trương đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe đạp điện, xe máy điện. Tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, điều chỉnh, ban hành quy chuẩn mũ bảo hiểm phù hợp với người sử dụng.

Thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc

Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng kế hoạch vốn trung hạn, dài hạn để phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện các chính sách dân tộc đồng bộ và hiệu quả.

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo 02/TB-VPCP về việc triển khai Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, để triển khai Chiến lược công tác dân tộc thiết thực và hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và vững chắc đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các Bộ, ngành, địa phương phải ưu tiên trước hết cho các mục tiêu nâng cao dân trí; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, qua đó nâng cao sức mạnh của hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tỷ lệ giảm hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải đạt năm sau cao hơn năm trước và cao hơn tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân chung cả nước.

Triển khai Tháng cao điểm ATTP dịp Tết Giáp Ngọ

Tại Thông báo 08/TB-VPCP, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan triển khai Tháng cao điểm an toàn thực phẩm (ATTP) trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ, tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp Tết.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế tổ chức hướng dẫn các địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATTP trong năm 2014. Huy động tối đa lực lượng hiện có để làm công tác thanh tra, tổ chức tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thanh tra ATTP cho các địa phương.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thanh tra, kiểm tra việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản nông sản thực phẩm (rau, quả, thủy, hải sản); vệ sinh an toàn trong giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là tại các thành phố lớn và các vùng sản xuất nông sản thực phẩm.

Theo : Hoàng Diên/chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *