(kontumtv.vn) – Quy định QH, HĐND lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ được cho là để đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI).

Trước phiên bế mạc phiên họp QH chiều ngày 28/11, QH đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HDND bầu hoặc phê chuẩn.

Trong tổng số ĐBQH tham gia (453), có 405 vị ĐBQH đã bấm nút tán thành (81,49%). 35 ĐB thể hiện quan điểm không tán thành, 13 ĐB không biểu quyết.

phiếu tín nhiệm
QH lấy phiếu tín nhiệm sáng 15/11. Ảnh: Minh Thăng

Theo Nghị quyết sửa đổi được thông qua, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ diễn ra 1 lần duy nhất trong nhiệm kỳ, dù trong thảo luận đã có không ít ý kiến đề nghị việc này phải được thực hiện ít nhất 2 lần/nhiệm kỳ (lần thứ nhất vào cuối năm thứ 2 (hoặc đầu năm thứ 3), lần thứ hai vào cuối năm thứ 4 của nhiệm kỳ QH, HĐND).

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ QH hoặc HĐND ngoài việc khắc phục những hạn chế của cơ chế lấy phiếu tín nhiệm hằng năm theo quy định hiện hành, còn có thuận lợi là sẽ kết nối kết quả lấy phiếu tín nhiệm với việc xem xét, đánh giá cán bộ giữa nhiệm kỳ của các tổ chức Đảng, làm cơ sở cho việc quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cho khóa tiếp theo.

“Quy định QH, HĐND lấy phiếu tín nhiệm một lần/nhiệm kỳ sẽ tạo sự đồng bộ với quy định về thời hạn và thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị theo tinh thần kết luận tại Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 9 (khóa XI)” – Chủ nhiệm UB Pháp luật giải trình rõ.

Vẫn giữ 3 mức phiếu tín nhiệm

“Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” vẫn sẽ tiếp tục là 3 mức đánh giá theo Nghị quyết 35 sửa đổi dù trong thảo luận đã có các ý kiến đề nghị chỉ nên quy định 2 mức độ tín nhiệm là: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”, hay “tín nhiệm” và “không tín nhiệm” nhưng trong “tín nhiệm” thì có 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm cao”.

Theo ông Lý, quy định 3 mức độ tín nhiệm nhằm phân biệt rõ tính chất khác nhau giữa việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm xác định hệ quả của hoạt động này, xem đây là một bước chuẩn bị trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Theo quy định thì việc bỏ phiếu tín nhiệm có 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm và cũng không quy định số lần bỏ phiếu trong một nhiệm kỳ. Qua hai lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua tại QH, việc ĐBQH thể hiện tín nhiệm theo 3 mức về cơ bản đã phản ánh sự đánh giá thận trọng, công tâm, khách quan của đại biểu đối với những người được QH bầu, phê chuẩn.

Ông cũng khẳng định đây là sự động viên, khích lệ tích cực để người được lấy phiếu tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, cảnh báo giúp họ sửa chữa kịp thời những hạn chế, yếu kém trong công tác.

Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý được thông qua đó là bổ sung quy định người được lấy phiếu tín nhiệm phải kê khai tài sản, thu nhập cũng như quy định về thời gian xác minh, làm rõ những vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm.

L.Thư – H.Nhì – H.Phúc/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *