(kontumtv.vn) – Có hơn 70% dân cư là người dân tộc thiểu số, kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế, những năm gần đây, các chương trình, chính sách dân tộc thiểu số được lồng ghép, vận dụng một cách linh hoạt đã mở lối ấm no cho người dân xã Ngọk Wang (Đăk Hà, Kon Tum) góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội địa phương.

Năm 1998, bà Dương Thị Hiền (người dân tộc Tày) rời quê hương Bắc Kạn vào Tây Nguyên lập nghiệp, chọn mảnh đất Ngọk Wang làm nơi dựng xây cuộc sống mới. Bắt đầu cuộc sống trên vùng đất mới, ban đầu, gia đình bà loay hoay với miếng cơm manh áo qua ngày và trăn trở về con đường thoát nghèo phía trước. Khi được tiếp cận với số vốn 20 triệu đồng hỗ trợ hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, có hướng đi đúng, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn… sau nhiều năm cần cù lao động, bà đã sở hữu hơn 2.000 cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh, 1.700 cây cao su bắt đầu cho thu hoạch, 100 trụ tiêu trồng ngay gần nhà. Cùng với đó, tận dụng nguồn thức ăn từ nghề nấu rượu để chăn nuôi thêm đàn heo, gà, vịt. Với cơ ngơi này, gia đình bà có khoản thu nhập ổn định từ 400 – 500 triệu đồng mỗi năm. Bà Hiền chia sẻ: “Ngày trước vốn vay thì rất khó, nhưng mình cố gắng tìm tòi để vay. Lúc đó chỉ vay được 1 chục, hai chục triệu thôi. Nhưng mình cũng cố gắng rồi đến khi vay được 3 chục triệu thì mình phát triển kinh tế, mua cà phê, cao su, trồng tiêu để góp vốn làm kinh tế trong gia đình. Ngày qua tháng lại thì mình cứ lấy chỗ này đắp chỗ khác, bây giờ thì mình cũng trả vốn đi gần hết rồi. Nói chung vốn vay cũng không còn bao nhiêu nữa. Cứ cái đà như thế thì bà cũng không phải lo đến chuyện nợ nần”.

Hộ nghèo ĐBDTTS được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất
Hộ nghèo ĐBDTTS được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất

Bên cạnh triển khai các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người DTTS, xã Ngọc Wang chú trọng hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, ở nhà tạm và không đủ khả năng tự xây dựng nhà ở với phương châm “an cư lạc nghiệp”.

Như gia đình chị Y Bắc, ở thôn 4, tách hộ lập vườn chỉ vỏn vẹn có 1 sào ruộng là nguồn sinh kế duy nhất cho gia đình 5 miệng ăn. Cái nghèo đeo bám dai dẳng nên xây dựng căn nhà kiên cố là điều 2 vợ chồng trẻ không dám mơ đến. Tháng 11/2017, xã đã hỗ trợ gia đình 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Gia đình chị cũng mạnh dạn vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để xây nhà kiên cố. Có được ngôi nhà mới, gia đình bắt tay vào trồng 300 cây cà phê, chị Bắc đăng ký làm công nhân Nông trường Cao su Ngọc Wang. Từ đây gia đình chị an tâm làm ăn, phát triển kinh tế. Chị Y Bắc nói: “Trước kia đang còn nhà tạm thì lúc trời mưa giò thấy cũng lo. Đi làm để con cái ở nhà thấy cũng tội, sợ mưa gió. Rồi khi xin vay bên Ngân hàng Chính sách thì họ cũng giúp, cho vay thêm 40 triệu để làm xong cái nhà như thế này. Bây giờ cái nhà thế này thì thấy không lo việc nhà nữa, chỉ lo làm ăn để nuôi mấy đứa nó lớn thôi, nuôi nó ăn học nữa”.

Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2014 – 2019, xã Ngọk Wang có 27 hộ dân được hỗ trợ nhà ở với tổng kinh phí 570 triệu đồng, 06 hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ làm nhà với số tiền là 150 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Trung ương theo Quyết định 33/2015 Thủ tướng Chính phủ. Anh Hà Văn Ít, Cán bộ Dân tộc – Tôn giáo xã Ngọc Wang cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm, đến bây giờ thấy các hộ đó làm ăn phát triển kinh tế ổn định. Công ăn việc làm ổn định hơn và có khả năng thoát nghèo bền vững hơn ngày xưa”.

Nhờ chủ động, linh hoạt các nguồn vốn, xã Ngọc Wang đã trở thành một trong những địa phương tiêu biểu của huyện Đăk Hà triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình MTQG và các chương trình, chính sách dân tộc. Nổi bật trong giai đoạn 2014-2018, từ nguồn vốn thuộc Chương 135, xã đã đầu tư xây dựng mới 19 công trình hạ tầng, đầu tư chuyển tiếp 8 công trình và duy tu sửa chữa 3 công trình dân sinh với nguồn kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Hỗ trợ phân bón, máy làm đất đa năng, con giống, máy cắt cỏ cho hơn 240 lượt hộ được hưởng lợi với kinh phí 893 triệu đồng. Đối với Quyết định 102/2009 của Thủ tướng Chính phủ, xã thực hiện hỗ trợ tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Đồng thời tạo điều kiện cho 1.145 lượt hộ DTTS vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ trên 28 tỷ 430 triệu đồng. Qua đó, tạo đà để nhân dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Hiện nay, Ngọc Wang vẫn là một trong những xã kinh tế còn nhiều khó khăn, song nhìn lại xuất phát điểm và chặng đường gian nan đã qua, có thể khẳng định, Ngọc Wang nay đã khoác lên mình một màu áo mới, sáng tươi và nhiều triển vọng. Có được thành công đó, bên cạnh sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, thì chính các chương trình, chính sách dân tộc được triển khai sâu sát đến từng nhà là một chìa khóa quan trọng mở lối thoát nghèo cho người dân tộc thiểu số nơi đây.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *