(kontumtv.vn) – Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với người dân cả nước đang hướng về kỷ niệm 47 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Kon Tum long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022). 50 năm đã trôi qua, kể từ ngày trận đánh lịch sử Đăk Tô – Tân Cảnh chiến thắng vang dội, chiến công này mãi là mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và dân ta. 

Đầu năm 1972, trên chiến trường miền Nam, cục diện chiến trường có những thay đổi quan trọng. Nhìn chung, tình hình ta đang ở thế thắng, thế chủ động, thế thuận lợi, thế đi lên, địch đang ở thế thua, thế bị động, thế khó khăn, thế đi xuống. Tại Hội nghị lần thứ 20 của Trung ương Đảng, trên cơ sở phân tích tình hình địch, ta đã quyết định mở cuộc tiến công chiến lược với quy mô lớn trên toàn chiến trường miền Nam. Cuộc tiến công chiến lược được xác định với quy mô lớn. Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, khu ủy V và Tỉnh uỷ Kon Tum đã quyết định mở chiến dịch Xuân – Hè 1972 nhằm “Tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có thể là hướng Plei Ku; có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy Trung ương Đảng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 khẳng định: “Có thể nói rằng, để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển hướng chiến lược phát triển trong một giai đoạn mới của chiến trường miền nam, Bộ Tổng tư lệnh chiến dịch, mở chiến dịch Tây Nguyên ở chiến trường Đăk Tô – Tân Cảnh ở chiến trường Tây Nguyên. Vì yêu cầu của nhiệm vụ nặng nề tạo ra một chuyển biến lịch sử của chiến dịch; Bộ đã tăng cường một lực lượng khá mạnh cho lực lượng của Tây Nguyên. Ngoài các Trung đoàn chủ lực bộ binh và binh chủng của chiến trường Tây nguyên thì bộ điều động thêm Sư đoàn 320 từ đường 9 Nam Lào vào, Sư đoàn 2 thiếu từ Quân khu 5 lên; có thể nói một lực lượng tương đương một Sư đoàn bây giờ tằng cường một lực lượng gần 3 Sư đoàn và các binh chủng của Bộ tăng cường xe tăng, pháo binh; đặc biệt là loại pháo binh hạng tiên tiến, phòng không hạng tiên tiến như A72, B72 tiên tiến trên thế giới, xuất hiện đầu tiên trên chiến trường miền Nam”.

Trong Chiến dịch Xuân – Hè 1972, ông Lại Hợp Phường khi đó là Chính trị viên Đại đội H67 thuộc Bộ đội địa phương và ông đã được tham dự cuộc họp triển khai chiến dịch giải phóng  Đăk Tô – Tân Cảnh. Dù 50 năm đi qua, song cuộc chiến ngày ấy vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của ông. Ông nhớ rất rõ, trước khi bước vào chiến dịch, Tỉnh ủy Kon Tum đã động viên sự nỗ lực cao nhất của ba thứ quân, cùng toàn Đảng bộ, quân, dân trong tỉnh phối hợp với chiến trường chung, quyết tâm giành thắng lợi. Ông Lại Hợp Phường – Khối phố 3, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô nhớ lại: “Khi chúng tôi được triển khai đi nhận nhiệm vụ để về thực thi thì chúng tôi nhận lúc đầu cũng không dám chủ quan, mình còn phải đánh nhận kế hoạch chắc là phải lâu dài, đánh như điện Biên Phủ. Riêng chúng tôi về thì tôi bắt đầu triển khai cho dân và đơn vị tôi được phép huy động như vậy là du kích 100, 120 dân công để phục vụ cho chiến dịch. Còn lương thực thực phẩm thì huy động càng nhiều càng tốt”.

Ngày 02/02/1972, chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân – Hè của ta bắt đầu và kéo dài hơn 20 ngày. Đêm 23 rạng 24/4/1972, sau khi thực hiện thành công kế hoạch nghi binh thu hút sức chống đỡ của địch về phía Tây và phía Bắc thì Sư đoàn 2 được tăng cường Trung đoàn 66, tiểu đoàn 37 đặc công cùng Tiểu đoàn 304 của tỉnh Kon Tum và một bộ phận pháo binh, pháo cao xạ, xe tăng của Mặt trận do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn và Chính ủy Lê Đình Yên chỉ huy, bất ngờ từ phía Đông đột phá trận địa phòng ngự của địch. Công sự trong căn cứ của địch lần lượt sụp đổ, kho đạn nổ tung, kho xăng bốc cháy, khu trung tâm thông tin bị đạn pháo ta phá hủy. Lần đầu tiên, tên lửa chống tăng của ta xuất hiện trên trận địa làm cho cố vấn Mỹ, sĩ quan và binh lính Ngụy khiếp sợ, hoảng loạn. Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 28, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho biết: “Có thể nói đây là một đòn chiến dịch, chiến lược rất bất ngờ xuất hiện xe tăng, pháo binh không phải là hướng Tây mà từ hướng Bắc mà đặc biệt là hướng Đông, cho nên chỉ trong một ngày đêm trung đoàn 66 chủ lực lúc bấy giờ đã hoàn thành được nhiệm vụ xuất sắc là tiêu diệt căn cứ 42 trong đó tương đương 1 Trung đoàn và 1 chỉ huy Sư đoàn nhẹ của Sư đoàn 2 ngụy, tiếp tục cùng với Sư đoàn 2 phát triển ra khu vực Đắk Tô 2, đánh chiếm Đắk Tô 2 sang ngày hôm sau. Trong mấy ngày, chúng ta đã tiêu diệt trên chiến trường Đăk Tô – Tân Cảnh tương đương một Sư đoàn thiếu trong và ngoài công sự. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam mà một chiến dịch mà chúng ta tiêu diệt được một Sư đoàn thiếu của các binh chủng thiết giáp, xe tăng có đầy đủ hết cả.)

Vào thời điểm diễn ra chiến dịch giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh, ông Huỳnh Văn Quốc là Trưởng Ban hành quân Quận Đăk Tô thuộc Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Ông cho biết, hơn 10 năm tham gia lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng quân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó có khoảng 7 năm tham gia công tác chỉ huy, trận đánh giải phóng Đăk Tô – Tân Cảnh là lần đầu tiên ông chứng kiến sự yếu thế, thất thủ của  Quân đội Việt Nam Cộng hòa trên vùng đất Kon Tum. Và đó cũng là lúc ông chứng kiến sự hùng mạnh của lực lượng Quân giải phóng.

Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh được coi là một trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đã làm thay đối cục diện chiến trường ở Tây Nguyên, làm rúng động cả hệ thống phòng ngự của địch ở miền Nam, làm suy giảm ý chí chiến đấu của chúng, góp phần đánh bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” “Việt Nam hóa Chiến tranh”, trực tiếp góp phần đánh bại âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam, góp phần tạo bàn đạp cho đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc./.

                                                                                 Thanh Tùng – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *