(kontumtv.vn) – Ngày 1/4, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội thảo luận về KT-XH.Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội hôm nay có tổng số 49 đại biểu phát biểu, với những ý kiến sâu sắc, thẳng thắn đánh giá những điểm được, chưa được, phân tích nguyên nhân, đề xuất các giải pháp, đồng thời gửi gắm kỳ vọng vào khóa tới sẽ khắc phục được những yếu kém, đưa đất nước phát triển nhanh hơn.

Các ý kiến bày tỏ sự đồng tình cao với những nội dung nêu trong Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, việc chỉ ra những hạn chế, yếu kém vừa thể hiện tinh thần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, vừa thể hiện thái độ cầu thị của Chính phủ để từ đó đặt ra những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Đại biểu khẳng định, mặc dù ở đâu đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót mà Chính phủ đã chỉ ra nhưng những kết quả đạt được trong 5 năm là to lớn và căn bản, rất đáng ghi nhận của một nhiệm kỳ lãnh đạo của Chính phủ.

Theo đại biểu, những nhận định đó nếu đặt trong bối cảnh cụ thể thì mới thấy hết giá trị của nó, rất nhiều khó khăn, thử thách đặt ra trong 5 năm qua đã được tìm thấy lời giải. Suốt giai đoạn nửa đầu của nhiệm kỳ, khi chủ quyền đất nước trên biển bị đe dọa, nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng, nguy cơ đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, thị trường vàng và ngoại tệ bất ổn, tình trạng bong bóng bất động sản và tồn dư bất động sản quá lớn. Hệ thống hạ tầng giao thông khó khăn, thiên tai, hạn hán khốc liệt, khiến chúng ta vô cùng lo ngại. Nhưng đến bây giờ chúng ta có quyền tự hào đã vượt qua những khó khăn, thử thách khắc nghiệt đó và những thành tựu đó tự nó đã đánh giá chất lượng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhất trí với quan điểm phát triển đầu tiên nêu trong Báo cáo của Chính phủ, đó là phải đột phá trong đổi mới tư duy phát triển nhất quán và đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, lấy lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất… Để thực hiện quan điểm nêu trên, đại biểu cho rằng việc đầu tiên phải làm cho đất nước là nơi đáng sống, người dân và người nước ngoài muốn đến, muốn ở lại chứ không phải muốn ra đi. Tiếp đó, phải bảo đảm cho người dân nếu chưa giàu thì cũng phải có tự do dân chủ, an toàn, an ninh, công bằng, công lý, được xã hội quan tâm, sống với nhau có tình nghĩa, có văn hóa, đạo đức tốt đẹp, làm cho người dân tự hào về người Việt Nam, nước Việt Nam….

Với kỳ vọng Quốc hội và Chính phủ khóa XIV sẽ là Quốc hội và Chính phủ của hành động, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân; ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ chủ quyền biển đảo; phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính, xây dựng văn hóa công vụ; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm;…

Nội dung phiên thảo luận

* Mở đầu phiên thảo luận chiều ngày 1/4, đại biểu Y Mửi (Kon Tum)bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Đồng thời đại biểu kiến nghị trong thời gian tới Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn khu vực Tây Nguyên.

Về công tác tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, đại biểu Y Mửi cho rằng, việc tinh giản biên chế, không tăng biên chế nhưng khi thêm tổ chức mới cũng cần bảo đảm con người cho tổ chức đó hoạt động có hiệu quả. Thực tế, việc thực hiện không tăng biên chế một cách máy móc, không linh hoạt thời gian qua đã làm cho các địa phương khó khăn trong việc thực hiện chia tách các đơn vị hành chính mới. Ví dụ, Kon Tum được tách thành lập mới huyện Ia H’Drai, có diện tích lớn, địa bàn rộng, có yêu cầu về bảo đảm trật tự an ninh biên giới, nhưng từ khi chia tách chưa được giao đủ biên giới. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm quan tâm chỉ đạo vấn đề này, đáp ứng tình hình mới đang đặt ra.

Về ứng phó với hạn hán, đại biểu đề nghị quan tâm hỗ trợ cho các địa phương đủ nguồn lực chống hạnVề kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị bố trí đủ nguồn lực để xác định rõ ranh giới giữa đất của người dân với đất rừng, đất nông lâm trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Huệ (Đắk Lắk) kiến nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ giải quyết vấn đề giá cả nông sản vùng Tây Nguyên (cà phê, hồ tiêu) và có giải pháp giúp người dân ứng phó hạn hán;…

Về chính sách tái canh cây cà phê, đại biểu đề nghị các cấp, ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay lâu dài, bền vững; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người dân trong thời gian chưa có sản phẩm thu hoạch (mất khoảng 5 năm để tái canh cây cà phê)…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề nghị báo cáo của Chính phủ làm rõ những tồn tại trong nông nghiệp, phân tích thấu đáo từng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp phát triển nông nghiệp bền vững.

Phản ánh về tình hình ngập mặn, hạn hán tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp ứng phó kịp thời, đồng thời cần quy hoạch lại các vùng sản xuất,…

Đại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) đề nghị có giải pháp giảm nghèo bền vững cho các xã nghèo; tiếp tục quan tâm bảo đảm an sinh xã hội; đầu tư cho y tế, giáo dục;…

Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn thì việc nâng cao tỷ lệ sử dụng đất trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao từ nay đến năm 2020 còn nhiều trở ngại.

Từ thực trạng sử dụng đất các khu kinh tế, khi chế xuất, khu công nghệ cao, đại biểu tổng kết, có sự khác biệt rất lớn giữa quy hoạch và thực hiện quy hoạch sử dụng 3 loại đất này. Tổng diện tích quy hoạch 3 loại đất là 1.689,91 nghìn ha, có tới 1.547 nghìn ha đất được quy hoạch nhưng chưa có phương án sử dụng 5 năm tới, chiếm 91,54%. Trong đó gồm 750 nghìn ha đất khu kinh tế ven biển, 745 nghìn ha đất khu kinh tế cửa khẩu, 50,42 nghìn ha khu công nghiệp và 2,1 nghìn ha khu công nghệ cao. Như vậy tình trạng quy hoạch sử dụng đất gây lãng phí rất lớn.

Đại biểu đề nghị cần điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đến năm 2020 trên cơ sở rà soát thực tế, thực thi quy hoạch sử dụng đất cho các khu vực này trong thời gian qua. Trong đó, chú trọng hơn về chất lượng quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao, tăng tính liên kết trong vùng. Đại biểu đề nghị Quốc hội ban hành luật về khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao để giải quyết một cách tổng thể đã đặt ra đối với khu vực này.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long) góp ý về nội dung gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ đánh giá sâu sắc vấn đề này để có giải pháp triển khai trên thực tế hiệu quả…

Đại biểu Y Khút Niê (Đắk Lắk) đề nghị Chính phủ cần phân tích cụ thể nguyên nhân chưa đạt được chỉ tiêu che phủ rừng để có giải pháp khắc phục. Đồng thời đại biểu góp ý giải pháp gắn công tác giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; triển khai công tác giảm nghèo đối trong đồng bào dân tộc thiểu số; có giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; có giải pháp căn cơ, tầm nhìn chiến lược trong ứng phó với biến đổi khí hậu… Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm kéo điện lưới quốc gia đến một số thôn, buôn trong tỉnh Đắk Lắk…

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) đề xuất Chính phủ quan tâm sớm ban hành chính sách cụ thể, phù hợp đối với khu vực miền núi phía Bắc; đề nghị quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối giữa Cao Bằng với Đồng Đăng Lạng Sơn, cảng Hải Phòng và các tỉnh Tây Nam Trung Quốc; đầu tư khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc; đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính,….

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) phân tích nguyên nhân của những yếu kém nêu trong báo cáo của Chính phủ, nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan như: Kỷ luật tài chính, kỷ luật hành chính lỏng lẻo, kỷ cương phép nước thực hiện chưa nghiêm; cấp trên kết luận, chỉ đạo, cấp dưới kỳ kèo, chậm triển khai… làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp. Đại biểu kiến nghị các cơ quan hành chính cần phải siết chặt kỷ cương, phép nước.

Đại biểu Y Thông (Phú Yên) đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư cho các xã tái định cư thủy điện Sơn La; hỗ trợ vùng phía tây miền Trung; đối với Phú Yên, đại biểu đề nghị đầu tư một số công trình giao thông, công trình ứng phó với biển đổi khí hậu…

Đại biểu Thào Xuân Sùng (Sơn La) góp ý một số chính sách xóa đói, giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp; giải quyết triệt để tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; không để xảy ra cầm cố đất, tranh chấp đất đai; có giải pháp hiệu quả để bảo tồn, phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành chính sách toàn diện đối với địa bàn biên giới;…

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) góp ý một số nội dung liên quan đến quản lý, xử lý tranh chấp lao động. Về phát triển liên kết vùng đại biểu đề nghị phải có “tư lệnh vùng”, ngân sách vùng; đại biểu cũng phát biểu một số nội dung liên quan đến giải quyết những bất cập tại các khu kinh tế cửa khẩu trên đất liền; giải quyết vấn đề xây dựng đường vành đai biên giới đoạn Tây Ninh – Long An;…

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) góp ý vấn đề ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Đại biểu cho rằng đây là quan hệ nhân quả, chúng ta khai thác tài nguyên rừng, nước ngầm quá mức cho phép, phát triển thủy điện ở nhiều nơi chưa hợp lý…

Đại biểu thống nhất với các giải pháp và đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời cũng như các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu của Chính phủ trong thời gian vừa qua. Đồng thời đề nghị về lâu dài cần tập trung trồng rừng phòng hộ; quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm; đầu tư nhiều công trình thủy lợi lớn; bố trí lại mùa vụ, cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi khí hậu; về khắc phục những sai lầm do thủy điện gây ra đại biểu cho rằng phải ưu tiên bảo đảm dân sinh hơn lợi ích của nhà máy,…

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) góp ý phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đánh giá cao sự quan tâm đầu tư mọi mặt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua cả về tín dụng chính sách; xóa đói, giảm nghèo; đầu tư hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục…

Tuy nhiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất nhiều khó khăn, giảm nghèo nhanh nhưng thiếu bền vững; thường xuyên phải đối phó với thời tiết cực đoan; tình hình xã hội, an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng xuất hiện nhiều vấn đề mới; các hủ tục, mê tín dị đoan đang có xu hướng quay trở lại… đại biểu cho rằng đây là những vấn đề cần có sự đánh giá cụ thể và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Về giảm nghèo, đại biểu đề nghị trong thời gian tới phải giảm chính sách cho không, tăng cường chính sách hỗ trợ về tín dụng ưu đãi; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan trong đồng bào dân tộc thiểu số…

Sau giờ nghỉ giải lao các đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Nguyễn Thiện Nhân (Bắc Giang), Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phan Văn Quý (Nghệ An), Lê Văn Lai (Quảng Nam), Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), Cao Đức Phát (Đắk Lắk),… góp ý các nội dung liên quan đến kiểm soát thu chi ngân sách nhà nước; bảo đảm tăng trưởng hợp lý; phổ cập giáo dục mầm non; phát triển kinh tế biển; bảo đảm chất lượng các dịch vụ y tế; giải quyết việc làm; kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống tham nhũng; phát triển khối doanh nghiệp tư nhân; chính sách tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn)

* Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đánh giá cao những kết quả đã đạt được về KTXH, đối ngoại, quốc phòng, an ninh… trong năm 2015 và kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020. Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho nhiệm kỳ tới.

Đại biểu đề nghị báo cáo cần phân tích sâu hơn về nguyên nhân của những yếu kém, qua đó đề xuất những giải pháp trọng tâm hơn để khắc phục những tồn tại; đồng thời đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến chính sách dân tộc; chính sách giảm nghèo vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo;…

Góp ý quy hoạch sử dụng đất trong thời gian tới, đại biểu đề nghị làm rõ hiện trạng chuyển đổi đất rừng; đất trồng rừng, tính toán đất dành cho tái định cư,…

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) góp ý một số nội dung liên quan đến KTXH, đại biểu cho rằng năm 2015 là một năm thành công trong điều hành KTXH của Chính phủ với mức tăng GDP cao nhất từ 2008 đến nay.

Góp ý về nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn tới, đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp tập trung nhằm tạo chuyển biến căn bản trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao đời sống bà con nông dân, nhất là trong bối cảnh hội nhập, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt,…

Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo như: Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, cơ chế tự chủ,…

Về y tế, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung tăng cường đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh, phát triển nguồn nhân lực y tế,…

Đại biểu đề nghị trong nhiệm kỳ tới Chính phủ cần có giải pháp tối ưu hơn trong đầu tư cho KHCN; đồng thời  cần có giải pháp căn cơ trong ứng phó với biến đổi khí hậu,…

Đại biểu Vũ Công Tiến (Lâm Đồng) cho biết cử tri rất quan tâm đến những hạn chế, yếu kém kéo dài, đề nghị Chính phủ cần phân tích thấu đáo và đề ra những biện pháp khắc phục hiệu quả.

Đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến phát triển nông nghiệp; chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp; giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá;…

Đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng suy thoái đạo đức và cho rằng đây là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Đại biểu đề xuất triển khai nhất thể hóa một số chức danh, vị trí công tác (theo mô hình Quảng Ninh), tinh giản biên chế, luân chuyển cán bộ,… có giải pháp quyết liệt hơn trong phòng chống tham nhũng,…

Đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ có giải pháp đúng đắn, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo đảm an toàn cho ngư dân vươn khơi, bám biển,…

Đại biểu cũng góp ý một số giải pháp thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, hợp tác xã; xây dựng nôn thôn mới…Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), đề nghị tập trung phát triển vùng, liên vùng để tạo ra sức cạnh tranh mới, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tình trạng “cát cứ”, đồng thời tạo sức mạnh liên kết trong phối hợp trong vùng ngăn chặn những mặt trái của KTTT (an toàn giao thông, phòng chống tội phạm…),…

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên – Huế) đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung một số mục tiêu: về giải quyết việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; chỉ tiêu sử dụng thực phẩm sạch, hàng hóa chất lượng; giảm tai nạn giao thông.

Đại biểu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phân cấp trách nhiệm, tránh chồng chéo, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại biểu góp ý một số nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh như: Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển; thế trận liên hoàn biển đảo; đầu tư cho biên phòng biển; bảo đảm an ninh  trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm; chống diễn biến hòa bình;…

Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến quản lý đất quốc phòng, an ninh; quản lý các khu kinh tế; quản lý đất lúa, đất rừng đặc dụng…

Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đánh giá cao những kết quả toàn diện đã đạt được trong 5 năm qua. Trong nhiệm kỳ tới đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn) cả về trước mắt và lâu dài; quan tâm quản lý hiệu quả tài nguyên nước; chuyển đổi cơ cấu sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích tiết kiệm năng lượng,…

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) góp ý các giải pháp phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên như: bảo đảm thị trường đầu ra cho nông sản để người dân yên tâm sản xuất (cà phê, tiêu…); tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp;….

Đại biểu cũng góp ý một số nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn chặt giáo dục đào tạo với thị trường lao động, thực hiện nghiêm túc việc kiểm định chất lượng giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục ở vùng khó khăn…

Đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần có ngay chính sách hỗ trợ về tín cho người dân gặp khó khăn do thiên tai gây ra; góp ý về kết nối thông thương giữa các vùng,…

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) góp ý một số nội dung liên quan đến tái cơ cấu kinh tế; triển khai quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí;… đại biểu nhấn mạnh phải coi tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm; chống tham nhũng, lãng phí là bảo vệ tổ quốc.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị Chính phủ cần phân tích sâu và có giải pháp cụ thể để giải quyết một số vấn đề: Nợ công; bội chi ngân sách; khắc phục những bất cập trong ưu đãi đầu tư quá nhiều đối với các doanh nghiệp FDI; giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh mới;…

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị)
 góp ý một số nội dung liên quan đến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ngăn chặn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh”; kinh doanh “chộp giật”; đề nghị có giải pháp quyết liệt trong phòng chống tham nhũng,….

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) góp ý một số nội dung liên quan đến thực hiện các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2016-2020 như: Cần có chính sách đột phá nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông nguồn lực trong nước,…. phấn đấu tốc độ phát triển kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra; tập trung nguồn lực tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các cứ điểm công nông nghiệp theo quy mô vùng;…

Đại biểu nhấn mạnh sự cấn thiếp phải có chính sách đột phá để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; luật hóa mô hình đầu tư PPP để thu hút đầu tư bền vững,…

Đại biểu Thân Đức Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua. Đại biểu cho rằng ở đâu đó vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, nhưng những kết quả đạt được trong 5 năm qua là to lớn và rất đáng trân trọng.

Đại biểu góp ý thêm một số nội dung liên quan đến: lao động việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giải nghèo, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương; ngăn chặn tình trạng tội phạm vùng nông thôn, nhất là tội phạm kinh tế. Đại biểu dẫn ví dụ, vụ Công ty Liên Kết Việt, nạn “đa cấp”, tín dụng đen ở địa phương,… làm cho đời sống hàng ngàn hộ nông dân khốn đốn…

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) góp ý một số nội dung liên quan đến cải cách bộ máy hành chính; tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý doanh nghiệp; kiên quyết tinh giản biên chế; tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người nông dân; bảo đảm an sinh xã hội; chống lãng phí, công khai việc thu chi của các cơ quan;…

Đại biểu Hoàng Việt Phương (Tuyên Quang) góp ý kế hoạch sử dụng đất, đại biểu cho rằng trong 5 năm qua việc quản lý đất đai đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên quy hoạch sử dụng đất chưa gắn chặt với quy hoạch của các ngành, chưa bảo đảm tính liên vùng; thực hiện quy hoạch chưa nghiêm; nhiều khu công nghiệp bị “bỏ hoang”, dự án treo; chuyển đổi lượng lớn đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp ở một số nơi thiếu cân nhắc; vẫn còn tình trạng manh mún; đa số người dân chưa sống ổn định được với nghề rừng; những bất cập trong bố trí dân cư bám sát các trục đường chính,…

Phân tích nguyên nhân của những tồn tại nêu trên, đại biểu đề xuất một số giải pháp: nâng cao chất lượng quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ, liên vùng; bố trí đủ quỹ đất cho kết cấu hạ tầng xã hội (văn hóa, thể thao); không bố trí các khu đô thị, khu dân cư bám sát các trục đường quốc lộ; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng miền núi, Tây Nguyên,…

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng trong nhiệm kỳ qua về kinh tế chúng ta có nhiều điểm sáng như: Phát triển hạ tầng giao thông, chính sách tiền tệ,… Tuy nhiên trong nhiệm kỳ tới nền kinh tế của chúng ta đứng trước rất nhiều thử thách. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp để phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế trong nước, kinh tế tư nhân; giảm bớt phụ thuộc vào khu vực FDI; có giải pháp ngăn chặn tình trạng chuyển giá; xác định các ngành thế mạnh, mũi nhọn để tập trung nguồn lực phát triển; sớm ban hành luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ;…

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) góp ý một số nội dung nhằm gắn tăng trưởng kinh tế bền vững với xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đại biểu đề nghị phải nhìn thẳng vào những thói hư tật xấu của người Việt để có những giải pháp khắc phục.

Đặc biệt cần xây dựng văn hóa phục vụ, văn hóa nêu gương, văn hóa hành chính công của đội ngũ công chức; chú trọng hoàn thiện thể chế, đầu tư thỏa đáng để bảo tồn, tôn tạo các công trình văn hóa….

Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu như: nâng cao hiệu quả công tác dự báo ngắn hạn; xem xét lại quy hoạch canh tác, quy hoạch hạ tầng, dân cư; sử dụng tài nguyên nước;…

Để bảo đảm tính bền vững của sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập sâu với thế giới, đại biểu đề nghị cần có giải pháp để giúp người nông dân hiểu được họ phải làm gì để chủ động trong hội nhập, không để nông dân “tự bơi”; nâng cao chất lượng nông sản chủ lực; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; sớm khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, manh mún; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, xây dựng các vùng chuyên canh lớn,…

Các đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn), Trần Hoàng Ngân(TPHCM), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa),Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai), Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi),Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc), Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thảo luận, góp ý một số nội dung liên quan đến cải cách hành chính; phát triển KTXH khu vực miền núi; giao thông nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội, cho vay hộ nghèo; thực hiện chính sách người có công; xóa đói, giảm nghèo; xử lý vi phạm trong sử dụng đất, quản lý rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ; khắc phục tình trạng bội chi ngân sách, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ các khoản vay ODA; thành lập bộ phận hỗ trợ dịch vụ công đối với người dân, doanh nghiệp; bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân; hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ; xây dựng các khu tránh trú bão, neo đậu cho tàu thuyền; ngăn chặn tình trạng biển xâm thực; ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chính sách tiền lương; chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; giải pháp bảo đảm công ăn việc làm cho giới trẻ, lao động nông thôn; phát triển khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra

Trước đó, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII sáng 21/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020.

Báo cáo nêu rõ, năm 2015, chúng ta đã hoàn thành hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong 14 chỉ tiêu chủ yếu, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 2 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng và chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đánh giá tình hình KT-XH 5 năm 2011-2015, Báo cáo nêu rõ: Nhìn lại 5 năm qua, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức và hạn chế, yếu kém nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra, nhất là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn ở những năm cuối; bước đầu thực hiện có kết quả các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch 5 năm, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt; 10 chỉ tiêu không đạt.

Trong 5 năm tới, Báo cáo đặt mục tiêu, về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP.  Năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30-35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1-1,5%/năm. Tỉ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 38-40%.

Về xã hội: Đến năm 2020, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0-1,5%/năm.

Về môi trường: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95-100% chất thải y tế được xử lý. Tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Báo cáo đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời khẳng định: Chúng ta thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm  2016-2020 trong bối cảnh có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng chương trình hành động để triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

PV/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *