(kontumtv.vn) – Thực hiện Chỉ thị số 20 của Tỉnh ủy Kon Tum, Huyện ủy Tu Mơ Rông đã xác định phát triển cây dược liệu là một trong những khâu đột phá năm 2019. Nhằm đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả khâu đột phá, Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trồng cây dược liệu.

Muốn trồng sâm Ngọc Linh, nhưng do không có vốn để đầu tư nên trước đây, gia đình chị Y Tý (thôn Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) không  thể trồng loại cây dược liệu quý này. Năm 2018 và đầu năm 2019, gia đình chị được  vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện nên đã trồng được gần 400 gốc sâm Ngọc Linh. Chị Y Tý nói: “Trước đây gia đình rất khó khăn, được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, vay 50 triệu để mua sâm giống để trồng. Đến tháng 3 năm 2019 vay được 50 triệu về mua sâm trồng tiếp”.

Hộ nghèo vay vốn trồng sâm Ngọc Linh
Hộ nghèo vay vốn trồng sâm Ngọc Linh

Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu quý nên giá cây giống tương đối cao, dao động từ 300.000đ đến 350.000đ/ cây. Vì vậy, đối với hộ nghèo, mua giống để trồng hết sức khó khăn. Trước những khó khăn của người dân, Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông đã ưu tiên giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo có nguyện vọng trồng loại cây dược liệu quý, với mức vay tối đa 100 triệu đồng/ hộ. Ông Trương Quang Tri, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Đối với nguồn vốn, thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện, tập trung nguồn vốn để cho vay chủ yếu là phát triển thế mạnh của huyện về trồng các loại cây dược liệu như hồng đẳng sâm và sâm Ngọc Linh để với mục đích chính là để bà con có điều kiện làm ăn, phát triển kinh tế và vươn lên thoát nghèo”.

Tính đến nay, Ngân hàng CSXH huyện  Tu Mơ Rông đã giải ngân hơn 20 tỷ đồng cho hơn 250 hộ vay, mạnh dạn đầu tư trồng cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, hồng đẳng sâm; góp phần nâng diện tích hồng đẳng sâm trên địa bàn huyện lên gần 48 ha, sâm Ngọc Linh hơn 17 ha do nhân dân trồng và nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ông A Hành, Chủ tịch UBND xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông nói: “Việc Ngân hàng cho bà con vay vốn là tạo điều kiện cho bà con có nhà ở, thứ hai là tạo điều kiện cho bà con mua cây con giống chăn nuôi để bà con có điều kiện thoát nghèo. Thời gian vừa rồi cũng có một số hộ thoát được nghèo vì bà con tự làm ăn được, tự trồng sâm dây, đặc biệt vừa rồi có 3 đến 4 hộ tại thôn Đăk Viên bán sâm dây xây dựng cái nhà hơn 100 triệu”.

Có thể thấy, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH để phát triển cây dược liệu là chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực; không chỉ góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo mà còn từng bước xây dựng huyện Tu Mơ Rông trở thành vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh Kon Tum.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *