Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đề án cần làm rõ hơn các cơ chế, chính sách trong việc phát huy trách nhiệm của Thành phố với cả nước, xây dựng cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Thành phố và hiệu quả, lợi ích đối với người dân Thành phố trong quá trình thực hiện thí điểm. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Sáng ngày 17/2, tại TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải chủ trì Hội nghị cho ý kiến dự thảo Đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM .
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy cao nhất vai trò, vị trí của Thành phố đối với vùng và cả nước, nhu cầu nghiên cứu xây dựng chính quyền đô thị thích hợp được đặt ra nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố, đồng thời đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới nền hành chính.
Việc thiết kế bộ máy chính quyền đô thị nhằm bảo đảm chức năng, nhiệm vụ quản lý phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng cộng đồng dân cư và ở các đơn vị hành chính lãnh thổ, được hình thành dựa trên các đặc điểm của đô thị (điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng đô thị…) mới có cấp chính quyền hoàn chỉnh.
Đề án cũng xác định, chính quyền đô thị TPHCM là một hình thức của chính quyền địa phương tại một đô thị đặc biệt, được tổ chức phù hợp với đặc điểm phát triển không đều, theo tính chất, yêu cầu quản lý của từng địa bàn. Mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phù hợp với tính chất đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành của cơ chế thị trường. Qua đó nâng cao tự chủ, tự chịu trách nhiệm của từng cấp chính quyền, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Theo Đề án của TPHCM, việc xây dựng thí điểm chính quyền đô thị sẽ tạo ra các động lực tích cực trong dài hạn về kinh tế-xã hội đối với sự phát triển của Thành phố. Đồng thời, tiếp tục củng cố và phát huy vai trò đầu tàu của Thành phố trong phát triển kinh tế cả nước, mở rộng khả năng đóng góp của Thành phố cho ngân sách và tăng trưởng. Khắc phục các vấn đề bất cập trong phát triển mà Thành phố đang đối mặt với nhiều “điểm nghẽn” về mô hình tăng trưởng, kết cấu hạ tầng, đào tạo nhân lực.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Thành phố, việc thực hiện thí điểm chính quyền đô thị sẽ phục vụ người dân tốt hơn với quá trình tái cấu trúc lại bộ máy quản lý theo ngành và theo lãnh thổ, nâng cao hơn nữa vai trò của HĐND và các tổ chức chính trị xã hội, thúc đẩy năng lực phục vụ nhân dân tốt hơn với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm của quản trị đô thị.
Trên cơ sở đó, Đề án thí điểm kiến nghị Trung ương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa cho Thành phố trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền trên các lĩnh vực như ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức nhân sự, quản lý tài chính công, quy hoạch, kế hoạch và đầu tư, xử lý vi phạm hành chính, cơ chế uỷ quyền trong chính quyền đô thị Thành phố.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện hơn nữa Đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn |
Sau khi nghe ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao dự thảo Đề án với cơ sở khoa học và thực tiễn cũng như nêu được những bất cập và đề xuất giải pháp giải quyết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đề án cần làm rõ hơn các cơ chế, chính sách trong việc phát huy trách nhiệm của Thành phố với cả nước, xây dựng cơ chế thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho Thành phố và hiệu quả, lợi ích đối với người dân Thành phố trong quá trình thực hiện thí điểm.
Theo đó, quá trình xây dựng Đề án thí điểm cần thiết kế các mô hình, tổ chức bộ máy sao cho phù hợp với các quy định của Hiến pháp và một số văn bản khác. Đối với một số vấn đề chưa có trong quy định hiện hành được Thành phố đề xuất tổ chức mới trong Đề án thì cần tham khảo, tiếp thu ý kiến đóng góp của các Ban, Bộ, ngành Trung ương để việc thực hiện sau này đạt hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, tương xứng với quy mô, tính chất của đô thị đặc biệt của Thành phố. Việc thí điểm chính quyền đô thị phải bảo đảm sự thông suốt, hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính Nhà nước.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành Trung ương phối hợp với TPHCM tiến hành rà soát cụ thể các kiến nghị của Thành phố trong việc phân cấp, phân quyền các lĩnh vực mà Thành phố đề xuất.
Thành phố cần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các ban, bộ, ngành Trung ương để hoàn chỉnh Đề án để các cơ quan Trung ương cùng thẩm tra, báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ để Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Lê Sơn/chinhphu.vn