(kontumtv.vn) – Làm gì để tránh những chính sách, pháp luật lơ lửng trên trời, những chính sách tréo ngoe, khiến người dân thấy sốc và ức chế?

Tại kỳ họp thứ 9 khai mạc ngày 20/5/2015, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét, thảo luận hoặc thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Đặc biệt, Quốc hội lần đầu tiên xem xét luật trưng cầu ý dân, một trong những quyền công dân cơ bản, đã được ghi nhận ở nhiều nước.

Đối với một người dân bình thường, tưởng chừng như đó toàn là về những chuyện quốc gia đại sự, chuyện của các “ổng”, mình quan tâm làm gì cho “nhọc”. Nhưng thực ra, đàng sau mỗi điều khoản, câu chữ của luật đều nhọc nhằn, nhiều khi có cả đắng cay của những cuộc mưu sinh, những phận người, với những ý nguyện sâu xa.

Những đạo luật, những phận người

Quốc hội, làm luật, ĐBQH, Luật Trưng cầu ý dân, Nguyễn Đức Lam
Ảnh minh họa: baonhandan.com

Kỳ họp này xem xét một loạt đạo luật liên quan đến xét xử ở chốn tòa: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính. Xin gọi đó là những đạo luật về những phận người. Chẳng phải thế ư?

Hãy lấy vài ví dụ nho nhỏ trong số rất nhiều ví dụ từ các đạo luật này. “Tòa án không được từ chối xét xử với lý do không có luật quy định” – đây là quy định mới trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Bởi lẽ công lý không chấp nhận để xảy ra tình trạng những vụ việc với những nỗi lo lắng của con người không được giải quyết chỉ vì không có luật, tức là làm ngơ trước sự uẩn khúc đàng sau các vụ việc đó, làm ngơ trước những phận người.

Hoặc là, các bác sỹ, người nhà bệnh nhân từng chứng kiến người thân đau đớn kéo dài trên giường bệnh hơn ai hết thấu hiểu ý nghĩa của quy định về an tử, quyền được sống và quyền được chết.

Trong lĩnh vực pháp luật hình sự, “một ngày tù nghìn thu ở ngoài”, Bộ luật hình sự với những quy định về tội phạm, hình phạt làm sao cho chặt chẽ để cơ quan công tố, tòa án phán quyết đúng tội, đưa ra mức hình phạt đúng với tội danh, mà không để công dân phải chịu ngồi những ngày oan ức không đáng có trong tù.

Đặc biệt, BLHS (sửa đổi) sẽ thu hẹp phạm vi áp dụng án tử hình đối với nhiều tội phạm, cũng chính là thể hiện tính hướng thiện trong chính sách hình sự.

Quan trọng hơn, việc thu hẹp như vậy hay cao hơn là việc bỏ án tử hình chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta làm vậy vì chính lòng vị tha, hiếu sinh ở trong mỗi con người lên tiếng. Nhất là để tránh oan, sai, án tử hình phải thực sự là một công cụ răn đe tội phạm, thực thi công lý, chứ không thể trở thành lưỡi hái cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Cũng như vậy, trong Bộ luật tố tụng hình sự, có thể nhận thấy rõ nét những nội dung ảnh hưởng đến cả một đời người, những phận người như suy đoán vô tội; bảo đảm tranh tụng cả quá trình xét xử chứ không chỉ tại phiên tòa; có nên quy định về quyền im lặng; quyền của bị can, bị cáo…

Bóng dáng dân qua người đại diện

Quốc hội, làm luật, ĐBQH, Luật Trưng cầu ý dân, Nguyễn Đức Lam
Ảnh minh họa: dantri.com

Trên nguyên tắc, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là một đạo luật rất quan trọng đối với quản trị quốc gia và người dân.

Bởi lẽ, Luật này là cơ sở để cử tri chọn mặt gửi… quyền.

Bởi lẽ, cử tri bỏ phiếu chọn lựa những người sẽ thay mặt họ xác định và thực thi chính sách, ủy quyền cho đại biểu quyết về những chuyện của mình.

Làm sao để chọn được người luôn lấy việc của dân, chuyện của dân là mối bận tâm hàng đầu, đủ tầm để lo những chuyện đó? Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có những quy định của Luật bầu cử như về tiêu chuẩn ứng cử viên, vận động bầu cử, thông tin về ứng cử viên, thời gian vận động, tự ứng cử.

Để làm sao khi bầu cử hoặc ra ứng cử, người dân vừa có “quyền” vừa có “lợi”: thực hiện “quyền” bầu cử, người dân thực sự được sử dụng sức mạnh lá phiếu của mình để tác động lên việc nước và qua đó làm cho cuộc sống của chính mình được tốt lên, mang lại cái “lợi”.

Thật tiếc, thực tế không được như mong muốn: không ít người nhờ bỏ phiếu thay vì không quan tâm; không ít đại biểu được bầu vừa thiếu cả tâm dành cho việc nước và chuyện của cử tri, vừa thiếu tầm để lo những việc, những chuyện như vậy.

Từ một góc độ khác, bóng dáng của người dân cũng cần được hiện diện trong Luật tổ chức chính phủ. Nhiều câu hỏi của Luật này đang được tranh luận như: chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, các bộ; cơ cấu tổ chức; phân định trách nhiệm của tập thể và cá nhân, bộ máy công vụ.

Thế nhưng, các ý kiến nêu lên hiện nay hầu như xuất phát từ góc nhìn của Nhà nước, mà dường như vẫn chưa nhìn từ vị trí của người dân.

Câu hỏi Chính phủ làm gì, hình hài ra sao, trách nhiệm thế nào đều cần hướng tới làm tăng mức độ hài lòng của người dân, xuất phát cái nhìn khác về mối quan hệ giữa Chính phủ với tư cách nhà cung cấp dịch vụ công và công dân với tư cách là khách hàng – thượng đế. Lúc đó, sẽ có cơ sở để trả lời, Chính phủ làm gì, Thủ tướng làm gì, bao nhiêu bộ, hình hài của bộ như thế nào, bộ máy công vụ ra sao.

Ý dân

Một câu hỏi rất quan trọng khi bàn về chính quyền địa phương, đó là sự tham gia, tiếng nói của người dân như thế nào? Người dân được lợi gì? Bảo đảm sự tham gia thực chất của người dân, hướng tới quyền lợi của người dân là một trong những yếu tố của một nền quản trị địa phương.

Quốc hội, làm luật, ĐBQH, Luật Trưng cầu ý dân, Nguyễn Đức Lam
Ảnh minh họa: Baonhandan.com

Làm sao để cơ quan hành chính đưa ra quyết định nhanh hơn, đồng thời xuống với dân nhanh hơn, tốt hơn; chính quyền “nghe” tiếng nói của người dân, phản ứng kịp thời và hiệu quả trước những nhu cầu, nguyện vọng của người dân và những vấn đề phát sinh trong cuộc sống.

Mô hình chính quyền địa phương cần hướng tới bảo đảm cuộc sống và tự do của cư dân, khoảng không gian dân chủ để người dân tham gia vào việc công, đối thoại với chính quyền, sự phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống của cư dân.

Đối chiếu với những yêu cầu này, có vẻ như bóng dáng người dân, cơ chế giải trình của chính quyền trước dân còn mờ nhạt trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương hiện tại.

“Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” – làm gì để tránh những chính sách, pháp luật lơ lửng trên trời, những chính sách tréo ngoe, khiến người dân thấy sốc và ức chế?

Sự tham gia của nhân dân vào quy trình lập pháp chính là để đưa cuộc sống, đưa ý dân vào luật, giúp tránh những hiện tượng như vậy. Ý dân chính là những đợt phù sa màu mỡ bồi đắp liên tục, mang lại nguồn sống cho những cây chính sách, nuôi những quả ngọt chính sách.

Dự thảo Luật Ban hành văn bản pháp luật đã bổ sung khá nhiều quy định tiến bộ về sự tham gia này, nhưng vẫn cần được hoàn thiện tiếp, nhằm tạo một cơ chế tham vấn công chúng dễ dàng, hiệu quả, minh bạch, xuất phát từ quyền tham gia của người dân.

Đặc biệt, tại kỳ họp lần này, Quốc hội lần đầu tiên xem xét Luật trưng cầu ý dân.

Nếu như tham vấn công chúng là hỏi ý dân để có thêm cơ sở để quyết định, thì trong một cuộc trưng cầu ý dân, biểu quyết của người dân là quyết định tối thượng, buộc phải tuân theo. Đây một trong những quyền công dân cơ bản, đã được ghi nhận ở nhiều nước.

Ở Việt Nam, do mới mẻ, có không ít lo ngại, nhưng điều đó không thể là trở ngại để xây dựng và ban hành một Luật trưng cầu ý dân đáp ứng ý nguyện của dân.

Một nền lập pháp vì dân

Điểm qua một vài đạo luật lớn sẽ được thảo luận hoặc thông qua tại kỳ họp Quốc hội để thấy rằng, ẩn đàng sau những điều khoản khô khan, những con chữ khó hiểu, là những thân phận con người, những suy nghĩ, ý nguyện của con người.

Nhà lập pháp cần khối óc sắc bén và một trái tim vì dân, nhạy cảm với nhịp đập của cuộc đời, để nhìn sâu vào những điều khoản, quy định, con chữ ấy, để làm sao thấy được những phận người, để đưa tiếng nói, ý chí, tâm tư của người dân vào trong mỗi điều luật, đạo luật.

Nguyễn Đức Lam/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *