(kontumtv.vn) – Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, trong hơn một thập kỷ qua, thị trường viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp viễn thông thuộc nhiều thành phần kinh tế đang cạnh tranh ngày càng quyết liệt trong việc cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ với giá cả phù hợp, mang lại lợi ích cho xã hội và người sử dụng.

Để thị trường viễn thông phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng của các doanh nghiệp viễn thông, không thể không nhắc tới vai trò đặc biệt quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này là Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Xung quanh những vấn đề nêu trên, Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

viễn thông, thị trường, Bộ trưởng, cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son.

– Thực tế trong thị trường viễn thông, giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đang có sự cạnh tranh quyết liệt, đến mức từng xuất hiện sự lo ngại có thể tái diễn tình trạng độc quyền. Là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ TT&TT có nhận thấy điều đó và có biện pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?

– Hiện nay, có thể nói cạnh tranh trên thị trường viễn thông đã chuyển sang một thời kỳ mới. Hội tụ dịch vụ và công nghệ, cung cấp dịch vụ qua biên giới… đã làm cho môi trường và hành vi cạnh tranh ngày càng tinh vi, phức tạp. Đây là những thách thức không nhỏ đối với việc bảo vệ và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh không chỉ ở Việt Nam mà ở cả nhiều nước trên thế giới. Để thị trường viễn thông phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh, trong giai đoạn tới Bộ TT&TT sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như tiếp tục xem xét giảm bớt các rào cản tiếp cận thị trường; áp dụng một cách bài bản hơn các thực tiễn quản lý tốt về tạo lập và vận hành một thị trường viễn thông cạnh tranh bình đẳng, thông qua các công cụ quản lý kết nối, quản lý giá cước, chất lượng, quản lý tài nguyên viễn thông… Cùng với đó là áp dụng tư duy kinh tế thị trường, tăng cường các biện pháp quản lý dựa trên cơ chế thị trường để các doanh nghiệp viễn thông phải năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm với bản thân, với xã hội, tự điều hòa lợi ích với nhau theo cơ chế thị trường; tăng cường phương thức hậu kiểm trong quản lý; tăng cường bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ thông qua việc sử dụng hiệu quả các công cụ giám sát chất lượng, thị trường; thanh tra, kiểm tra xử lý quyết liệt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh…

– Những biện pháp trên sẽ được thực hiện kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp và tổ chức lại thị trường viễn thông theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020, thưa ông?

– Đúng vậy, chúng tôi sẽ thực hiện cổ phần hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, phân định rõ hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích, sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên quốc gia. Mục tiêu cuối cùng là chống xu hướng độc quyền, không để duy nhất một doanh nghiệp mạnh áp đảo các doanh nghiệp còn lại, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

– Nhiều chuyên gia viễn thông nhận định, hiện nay vấn đề đối với ngành Viễn thông nói chung và các doanh nghiệp viễn thông nhà nước chính là vốn và áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến này?

– Vấn đề vốn và quản lý, giám sát việc sử dụng vốn phải luôn được xem xét đồng thời và có vai trò quan trọng như nhau đối với hoạt động của doanh nghiệp. So sánh các doanh nghiệp viễn thông nhà nước như VNPT, Viettel, MobiFone, FPT, EVN Telecom trước đây… với nhau, khi điều kiện tiếp cận nguồn vốn và chi phí cho vốn về cơ bản là như nhau thì dễ nhận thấy điều làm nên sự khác biệt chính là trình độ quản trị doanh nghiệp. So sánh với các doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực khác thì các doanh nghiệp viễn thông nhà nước như VNPT, MobiFone, Viettel,… về cơ bản giải quyết khá tốt cả 2 vấn đề khi liên tục đạt lợi nhuận cao, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Kết quả này có được một phần là do các doanh nghiệp viễn thông đã hội nhập rất sớm nên có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn, công nghệ hiện đại cũng như kinh nghiệm quản trị tiên tiến thông qua các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các tập đoàn viễn thông – công nghệ thông tin (CNTT) lớn như Telstra của Australia, France Telecom của Pháp, Comvik của Thụy Điển, KT của Hàn Quốc, NTT của Nhật Bản…

– Là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT có những định hướng gì cho các doanh nghiệp, thưa ông?

– Trước yêu cầu phát triển bền vững, yêu cầu nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng mà Đảng, Nhà nước đặt ra và so sánh với mặt bằng khu vực và thế giới thì các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguồn vốn, lao động. Cụ thể, các doanh nghiệp viễn thông nhà nước cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp đổi mới, sắp xếp lại để có cơ cấu hợp lý hơn; thực hiện cổ phần hóa để hoạt động theo mô hình công ty cổ phẩn, công ty trách nhiệm hữu hạn phù hợp với quy định của pháp luật; áp dụng chế độ quản trị tiên tiến phù hợp với kinh tế thị trường và thực hiện chế độ kiểm toán, kiểm tra, giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch thông tin về tài chính doanh nghiệp. Cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông nhà nước phải được coi là một giải pháp quyết định để giải quyết đồng thời vấn đề vốn và quản trị vốn hiệu quả. Có thể nói, tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp viễn thông sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT trong thời gian tới.

– Hiện các doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư mạnh ra nước ngoài và đó là niềm tự hào của ngành Viễn thông Việt Nam. Liệu các doanh nghiệp này có trở thành những tên tuổi lớn của làng viễn thông thế giới như Vondafone, France Telecom… thưa ông?

– Viettel mới vươn ra thị trường nước ngoài từ 9 năm trước, cho đến nay đã triển khai kinh doanh chính thức ở 7 thị trường (Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Đông Timor, Peru và Cameroon). Tính đến hết năm 2014, tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài của Viettel đạt 1,2 tỷ USD, tăng trưởng 25%; tổng lợi nhuận trước thuế đạt 156 triệu USD; và theo dự kiến, đến hết năm 2015 Viettel sẽ thu hồi 80% trong tổng số trên 600 triệu USD đã đầu tư ra nước ngoài. Viettel đang xây dựng chiến lược phải trở thành công ty toàn cầu, đặt mục tiêu đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600-800 triệu dân vào năm 2020 và trở thành top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới. FPT Telecom cũng chỉ cần 3 năm triển khai ở thị trường Campuchia để trở thành nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hàng đầu. Mới đây, ngày 6-7-2015, FPT Telecom đã được cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ internet (ISP) ở Myanmar. Với một đội ngũ lãnh đạo trẻ, năng động, sáng tạo; mô hình quản trị hiệu quả của một công ty cổ phần, được kế thừa bề dày kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh vực CNTT của doanh nghiệp CNTT hàng đầu của Việt Nam (Tập đoàn FPT), tôi cũng rất tin tưởng là FPT Telecom sẽ sớm khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ ISP hàng đầu ở Myanmar.

Tiếp bước Viettel và FPT Telecom, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam khác như VNPT, Tổng công ty viễn thông MobiFone cũng đang xây dựng chiến lược vươn ra thị trường khu vực. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT đã và sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng đầu tư ra nước ngoài.

– VNPT đang bước vào giai đoạn 3 của quá trình tái cơ cấu với việc sắp xếp lại nhân sự, bộ máy tổ chức… Là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp tham gia chỉ đạo tái cơ cấu VNPT; theo ông, tới thời điểm này, đâu là cái được lớn nhất đối với quá trình tái cấu trúc VNPT?

– Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) được thực hiện tái cơ cấu trên nguyên tắc chuyên biệt, chuyên nghiệp và hiệu quả. Mô hình tổ chức của VNPT được tách thành các khối kinh doanh, hạ tầng, nội dung với việc hình thành 3 tổng công ty trực thuộc VNPT, đó là Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone) – chịu trách nhiệm mọi hoạt động kinh doanh của toàn Tập đoàn, trực tiếp phục vụ thị trường và xã hội; Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) phụ trách dịch vụ nội dung và Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net) chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng. Công ty mẹ – VNPT tập trung vào công tác xây dựng kế hoạch, chiến lược, đầu tư tài chính. Đây là mô hình được xây dựng trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm quốc tế, xu thế phát triển ngành Viễn thông và đã được nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn trên thế giới áp dụng thành công. Bên cạnh đó, việc tách Công ty Thông tin di động (VMS) khỏi cơ cấu tổ chức của VNPT để hình thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) và triển khai cổ phần hóa để phù hợp với quy định về sở hữu chéo trong lĩnh vực viễn thông trong Luật Viễn thông, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP và các quy định của pháp luật về phân loại doanh nghiệp nhà nước; tạo điều kiện cho MobiFone trở thành nhà cung cấp viễn thông hoàn chỉnh, có đầy đủ hạ tầng và dịch vụ. Ngoài ra, VNPT đã bố trí, sắp xếp, phân công công việc cho người lao động hợp lý hơn. Sau khi thực hiện tái cơ cấu, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, năng suất lao động của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn đều cao hơn so với trước đây.

– Bộ trưởng từng nhắc nhiều lần là sẽ không cổ phần hóa MobiFone bằng mọi giá. Điều này thể hiện trách nhiệm và sự thận trọng. Song với dư luận, nhìn vào tiến độ thực hiện, họ lo ngại liệu điều này sẽ trì hoãn, hoặc làm ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?

– Cổ phần hóa DNNN là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và Bộ TT&TT đã xác định cổ phần hóa MobiFone là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này. Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT đã ban hành Nghị quyết số 509-NQ/BCSĐ ngày 12-6-2015 về công tác cổ phần hóa MobiFone. Theo đó, nguyên tắc và quan điểm chỉ đạo là: Cổ phần hóa MobiFone không chỉ thu hút thêm được vốn, kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mà còn tạo ra động lực và cơ chế để MobiFone hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững; không cổ phần hóa MobiFone bằng mọi giá, cổ phần hóa phải bảo đảm đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước, cho MobiFone và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người sử dụng dịch vụ của MobiFone.

Cổ phần hóa DNNN trong lĩnh vực viễn thông là chưa có tiền lệ tại Việt Nam. Hơn nữa, MobiFone là doanh nghiệp viễn thông có quy mô vốn lớn, có uy tín, thương hiệu và đặc biệt là hiệu quả kinh doanh cao. Do đó, để lựa chọn phương án cổ phần hóa mang lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, tạo điều kiện để MobiFone phát triển bền vững hơn, không để thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước thì việc triển khai cần thực hiện chặt chẽ, thận trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm công khai, minh bạch. Song, Bộ TT&TT cũng xác định không vì quá thận trọng mà triển khai chậm, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa. Thời gian qua, việc triển khai công tác cổ phần hóa MobiFone đang được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và các quy định hiện hành.

– Khi cổ phần hóa DNNN nếu có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược, dù đối tác là nhà đầu tư tư nhân hay doanh nghiệp nước ngoài thì cũng đều là đối tượng có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm quản trị. Đây có là điều cần thiết cho các doanh nghiệp viễn thông trong đó có MobiFone trong giai đoạn cạnh tranh mới?

– Như đã nêu, Bộ TT&TT xác định việc cổ phần hóa MobiFone không chỉ nhằm thu hút vốn đầu tư, đa dạng hóa hình thức sở hữu mà quan trọng hơn là thông qua cổ phần hóa để nâng cao năng lực của MobiFone về quản trị doanh nghiệp, làm chủ công nghệ mới, tạo ra động lực và cơ chế để MobiFone hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng tăng. Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo MobiFone xây dựng các tiêu chí cụ thể để tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài, bảo đảm lựa chọn được đối tác phù hợp nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững của MobiFone.

– Thưa ông, chúng ta cần phải làm gì để tránh tình trạng cổ phần hóa nội bộ, bình mới, rượu cũ như một số trường hợp cổ phần hóa DNNN?

– Thời gian qua, sau khi tách khỏi Tập đoàn VNPT, Bộ TT&TT đã tích cực chỉ đạo MobiFone tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Cổ phần hóa sẽ là bước tiếp theo của công tác tái cơ cấu để thay đổi về cơ bản tư duy quản trị doanh nghiệp và việc tham gia của đối tác chiến lược vào quản trị doanh nghiệp sẽ là bước tiến lớn để nâng cao tính minh bạch trong hoạt động công ty, tiệm cận tới các mô hình quản trị tiên tiến nhất trên thế giới. MobiFone phải lựa chọn được đối tác chiến lược có năng lực công nghệ cao về lĩnh vực viễn thông và CNTT, nắm bắt được xu hướng và làm chủ được công nghệ mới nhất, có thực tế triển khai công nghệ mới như 4G, LTE…, nhằm nâng cao năng lực của MobiFone, cải thiện chất lượng dịch vụ và triển khai các dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Đối tác sẽ phải có hình ảnh thương hiệu mạnh trên thị trường khu vực, quốc tế để củng cố vị thế MobiFone tại thị trường trong nước và từng bước phát triển ra thị trường khu vực, thế giới.

– Việc tách MobiFone khỏi VNPT như Bộ TT&TT nhiều lần nói là nhằm duy trì, hình thành 3 doanh nghiệp mạnh cùng cạnh tranh để thị trường phát triển bền vững. Đến nay, ông đánh giá như thế nào về chủ trương này?

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, triển khai các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu DNNN, MobiFone đã được tách ra khỏi VNPT và được tổ chức thành Tổng công ty viễn thông MobiFone hạng đặc biệt. VNPT cũng được tổ chức lại một cách mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp, khác biệt và hiệu quả để tiếp tục giữ vững vai trò doanh nghiệp chủ đạo mà Nhà nước đã giao. Với việc tái cơ cấu đã thực hiện, trên thị trường viễn thông Việt Nam đã hình thành 3 doanh nghiệp viễn thông lớn là VNPT, Viettel và MobiFone. Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, MobiFone cùng với VNPT và Viettel sẽ phải trở thành 3 doanh nghiệp có quy mô và tiềm lực tương đương nhau để hình thành “thế chân vạc”, bảo đảm thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững.

– Trong thực tế, MobiFone đã đảm đương được trách nhiệm được giao?

– Thực tế phát triển của VNPT và MobiFone sau khi chia tách được gần 1 năm cho thấy các chỉ số về hoạt động sản xuất – kinh doanh đều có tăng trưởng tốt, từ thị phần thuê bao đến tổng doanh thu, lợi nhuận. Nguyên nhân chủ yếu của tăng trưởng thời gian qua là hợp lý hóa tổ chức sản xuất – kinh doanh, là sự năng động – sáng tạo của người lao động. Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho chất lượng và tốc độ tăng trưởng bền vững của VNPT và MobiFone trong giai đoạn tới. Điều này cũng cho thấy tái cơ cấu VNPT và MobiFone đã đi đúng hướng và bước đầu phát huy tác dụng tốt. Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với sự phát triển rất nhanh của môi trường hội tụ viễn thông – CNTT – phát thanh truyền hình để các doanh nghiệp có cùng cơ hội phát triển.

– Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng về những nội dung trao đổi!

(Theo Hà Nội Mới)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *