(kontumtv.vn) – Từ nay đến đầu tháng 5/2019, một số khu vực của tỉnh Kon Tum vẫn còn có nguy cơ khô hạn, mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình nhiều năm, đó là những dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum.

Từ đầu năm 2019 đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn ra tương đối thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra các đợt nắng nóng gay gắt như những năm trước; tình hình rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến mùa màng, gia súc ít xảy ra hơn. Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có 4 đợt mưa trái mùa nên lưu lượng nước trong các hồ, đập không xuống quá thấp, giảm khả năng khô hạn trên địa bàn. Tuy nhiên, bà con cần chủ động các phương án phòng chống khô hạn trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là tại khu vực huyện Sa Thầy và Ia H’Drai. Ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum dự báo: “Đối với Kon Tum, hiện tại khả năng khô hạn, thiếu nước vẫn đang có khả năng xảy ra; mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn hơn so với quy luật, nó kéo dài hơn so với quy luật, kéo dài từ giữa tháng 5 đến tháng 11. Một số vùng ở Đông Bắc thì mưa có thể từ tháng 6 đến tháng 12. Thứ hai là lượng mưa tập trung vào thời kỳ cuối của mùa mưa, tức là khoảng tháng 9, tháng 10, tháng 11; đây là thời kỳ có khả năng xảy ra thiên tai như lũ bão, lũ quét, sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân”.

Lượng nước các hồ đập đang xuống thấp
Lượng nước các hồ đập đang xuống thấp

Từ cuối tháng 3, nhiệt độ trên phạm vi toàn tỉnh có xu hướng tăng mạnh; nắng nóng có khả năng xuất hiện ở khu vực phía Nam và phía Tây tỉnh. Dự báo có từ 4 – 5 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất là 35oC – 37oC. Thời kỳ cạn kiệt nhất trong mùa khô 2018- 2019 trên các sông, suối có khả năng xảy ra vào cuối tháng 4/ 2019, với lượng dòng chảy đạt thấp hơn trung bình nhiều năm từ 25- 50%. Ông Nguyễn Văn Huy nói: “Ở Kon Tum, tỉ lệ nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn rất lớn, thế nên tổn thương do thiên tai ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân rất rõ nét. Do vậy, muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra thì đương nhiên người dân đầu tiên phải nhận thức, phải nắm được các thông tin về thời tiết, thiên tai để bố trí sản xuất, bố trí đời sống sao cho phù hợp, tránh được rủi ro. Để triển khai phương án phòng chống thiên tai hiệu quả thì cần sự phối hợp của chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và đặc biệt là cơ quan truyền thông, làm sao mà các thông tin Đài Khí tượng Thủy văn đưa ra thì sớm đến tay người dân và người dân hiểu được, sử dụng bản tin đó vào công tác phòng chống thiên tai của mình”.

Dự báo từ tháng 6, tháng 7, mực nước và lưu lượng trên các sông suối có dao động theo xu thế tăng dần và xuất hiện một số trận lũ nhỏ trên các lưu vực sông Pô Kô, Sa Thầy với biên độ lũ đạt từ 1- 1,5 mét. Từ tháng 8 đến tháng 11/ 2019, dự báo trên lưu vực sông Pô Kô xuất hiện từ 3- 5 trận lũ có mực nước đỉnh lũ đạt từ trên mức báo động cấp II đến cao hơn mức báo động cấp III; trên lưu vực sông Đăk Bla xuất hiện từ 2- 4 trận lũ có mực nước đỉnh lũ đạt từ trên mức báo động cấp II đến xấp xỉ mức báo động cấp III. Lũ lớn nhất năm 2019 có khả năng xuất hiện trong tháng 10.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *