(kontumtv.vn) – Sáng 22/3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, Chủ tịch nước đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công.

Chủ tịch nước đã giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước, ký quyết định bổ nhiệm các thành viên Chính phủ; tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội; quyết định đàm phán điều ước quốc tế nhân danh nhà nước, thận trọng, xem xét các văn bản ký kết quốc tế, nhất là các Hiệp định vay vốn ODA, yêu cầu Chính phủ quản lý vốn vay có hiệu quả, đúng pháp luật.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phối hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Hằng năm, đều có hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện tốt hơn cơ chế phối hợp này.

Mỗi khi đi công tác địa phương và cơ sở, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước luôn dành thời gian tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của nhân dân, lắng nghe và chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, động viên đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đoàn kết xây dựng quê hương, đất nước, thăm và tặng quà cho những người nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công, các đồng chí lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, các chức sắc tôn giáo tiêu biểu.

Khi đi công tác nước ngoài, Chủ tịch nước đều dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi tình hình đời sống, học tập, lao động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, động viên và kêu gọi kiều bào phát huy truyền thống đoàn kết, tự hào và tự tôn dân tộc, giúp đỡ lẫn nhau ổn định cuộc sống, tích cực tham gia xây dựng đất nước.

Đặc biệt, Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều ý kiến với Mặt trận Tổ quốc trong việc xây dựng các chính sách đoàn kết dân tộc, nhất là giải quyết, củng cố các vấn dề về dân tộc và tôn giáo.

“Chủ tịch nước cũng có ý kiến đóng góp xác đáng với Đảng, Chính phủ và các địa phương về phong trào xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo đổi mới công tác chữ thập đỏ, góp phần ổn định an sinh xã hội”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết.

Trong công tác đối ngoại, Chủ tịch nước đã triển khai tích cực và hiệu quả công tác đối ngoại, góp phần xác lập mối quan hệ với một số nước lớn, củng cố quan hệ với các quốc gia là bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng.

Chủ tịch nước đã tranh thủ ủng hộ quốc tế để nâng cao vị thế đất nước, mở ra giai đoạn quan hệ, hợp tác mới với các nước trên thế giới và trong khu vực, trong đó luôn coi trọng thúc đẩy đối ngoại nhân dân.

Nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã luôn giản dị, gần dân, phục vụ nhân dân. Phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc; quan tâm và xử lý hiệu quả các vấn đề quốc kế dân sinh, các vấn đề bức xúc trong xã hội; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo; phát triển quan hệ quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình cho đất nước.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thẳng thắn cho biết Chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay, là Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước có trách nhiệm trước thực trạng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của một số cán bộ tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu; vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ tư pháp nhũng nhiễu, tiêu cực.

Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay nước ngoài để bảo đảm khả năng trả nợ còn hạn chế. Trước các vấn đề quốc kế dân sinh bức xúc thì Chủ tịch nước chưa yêu cầu Chính phủ họp bàn.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do thiếu cơ chế cụ thể hoạt động và tổ chức hội đồng quốc phòng, an ninh, việc thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân chưa thể hiện rõ trong các luật chuyên ngành. Chưa hoàn thiện rõ cơ chế trong luật chuyên ngành để tăng cường kiểm tra giám sát, công tác vốn vay nước ngoài, lập danh mục vốn vay ODA hằng năm và trung hạn.

Để Chủ tịch nước hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn trong thời gian tới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng phải thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm là Chủ tịch nước phải phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, Chính phủ, tích cực xây dựng thể chế, kiến nghị hoàn thiện văn bản luật liên quan đến quyền hạn của Chủ tịch nước.

Tiếp tục triển khai chương trình cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2020, trong đó tổ chức xây dựng pháp luật, kiện toàn bộ máy, hoạt động bổ trợ tư pháp, hoàn thiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp tới 2020.

Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gặp gỡ, lắng nghe góp ý của các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chủ tịch nước tham gia chỉ đạo hoạt động ngoại giao của Đảng, Nhà nước, thực hiện nhất quán đường lối ngoại giao độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác và phát triển, đa phương hóa đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế, không ngừng nâng cao vị thế của đất nước.

Chủ tịch nước chỉ đạo mọi mặt công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, cụ thể hóa quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *