(kontumtv.vn) – Đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đã tập hợp, xử lý hơn 4.000 trang tài liệu từ 27 Chuyên đề nhánh, các tham luận tại 3 Hội thảo Quốc gia và kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Chu tich nuoc lam viec voi To Bien tap De an Nha nuoc phap quyen hinh anh 1
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 2/4, tại Phủ Chủ tịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã làm việc với các thành viên Tổ Biên tập, chuyên gia, nhà khoa học về Báo cáo tập hợp.

Đây là cơ sở để triển khai soạn thảo dự thảo lần 1 của Đề án.

Đến nay, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án, trực tiếp là Tổ Biên tập đã tập hợp, xử lý hơn 4.000 trang tài liệu từ 27 chuyên đề nhánh, các tham luận tại 3 hội thảo quốc gia và kết luận của Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tổ Biên tập cũng đã tiếp thu ý kiến góp ý của một số thành viên Ban Chỉ đạo để chỉnh sửa lần 2 đề cương chi tiết.

Trên cơ sở bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và theo đề cương chi tiết, Tổ Biên tập đã xây dựng dự thảo Báo cáo tập hợp của đề án dài hơn 200 trang.

Trong đó, nêu rõ những vấn đề lý luận cơ bản về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng, Nhà nước, quá trình hình thành, đánh giá thực trạng, cùng các nguyên tắc, mục tiêu, những đổi mới, đột phá và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến 2045.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao Tổ Biên tập trong 1 tuần qua đã chắt lọc từ hàng nghìn trang tài liệu từ đó xây dựng Báo cáo tập hợp để Thường trực Ban Chỉ đạo đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.

Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học góp ý, phản biện thẳng thắn qua đó, tiếp tục làm sáng tỏ những vấn đề cốt lõi của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là giai đoạn quan trọng nhất của quá trình xây dựng đề án, do đó, từ những ý kiến góp ý lần này, Tổ Biên tập cần tiếp thu và nỗ lực hơn nữa để viết dự thảo lần 1 của đề án.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại yêu cầu xuyên suốt, đó là nội dung của đề án phải phù hợp với nhận thức hiện nay, được Đảng chấp nhận, thế giới công nhận, dễ vận dụng và dễ triển khai.

Trong các đổi mới, đột phá chiến lược thì vấn đề nào đã rõ, được thực tiễn chứng minh thì cần đưa vào đề án, còn những vấn đề chưa rõ, còn nhiều tranh cãi thì đưa vào các phương án lựa chọn, hoặc tài liệu tham khảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *