(kontumtv.vn) – Hội thảo khoa học được tổ chức chiều 19/8 đã khẳng định và làm rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Đảng và cách mạng Việt Nam.

Chiều 19/8, tại tỉnh An Giang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy An Giang tổ chức Hội thảo khoa học liên bộ “Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Người Cộng sản mẫu mực, nhà lãnh đạo nổi tiếng của Cách mạng Việt Nam” nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự hội thảo quan trọng này.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự hội thảo. – Ảnh: Báo An Giang

Hội thảo nhằm mục đích khẳng định và làm rõ hơn cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, những đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng với Đảng và cách mạng Việt Nam; góp phần vào việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đồng thời, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết XII của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa  XII).

VOV dẫn lời bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang – quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng chia sẻ tại Hội thảo: Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, nhà lãnh đạo kính mến và thân thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; người bạn chiến đấu gần gũi, thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương An Giang.

Do vậy, Hội thảo có ý nghĩa chính trị quan trọng vì diễn ra đúng dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng; là dịp để chúng ta nhìn lại cả quá trình dài xuyên suốt 3 thế kỷ, từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI, thấy rõ những chặng đường phát triển của cách mạng Việt Nam, trong đó có đóng góp to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Tại hội thảo, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ những đóng góp và vai trò quan trọng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng đối với cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; nhất là trong sáng lập, lãnh đạo tổ chức công hội đầu tiên ở Việt Nam, trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam; trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Học tập Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tập trung đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, thiết thực chăm lo lợi ích công đoàn viên, bảo vệ quyền lợi người lao động, xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh. Đồng thời, tập trung vào 5 đột phá chiến lược: Một là chăm lo lợi ích đoàn viên, bảo vệ quyền lợi người lao động; hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là đội ngũ Chủ tịch Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ba là, xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh để thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới; bốn là, đổi mới phương thức hoạt động các cấp công đoàn, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; năm là, đẩy mạnh công tác truyền thông của công đoàn Việt Nam.

Hội thảo ngoài khẳng định nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng có ý nghĩa to lớn đối với công cuộc đổi mới hiện nay, còn làm sáng tỏ thêm vấn đề xác định các nhân tố: gia đình, dòng họ, quê hương, dân tộc, thời đại và những phẩm chất cá nhân tác động sâu sắc đến việc hình thành nhân cách, con đường, chí hướng cứu nước, cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Kết luận Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Hội thảo là kết quả rất quan trọng để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp nhà lãnh đạo mẫu mực, Chủ tịch Tôn Đức Thắng; đồng thời góp phần vào việc đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới của Đảng và dân tộc ta trong giai đoạn hiện nay.

“Đồng chí Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Bác Tôn như nhiều người vẫn gọi là người sống chân thành, chí khí cao cả, làm nhiều, nói ít, luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn toàn không vì ham muốn vật chất địa vị mà là vì nước, vì dân, là lãnh tụ của nhân dân tràn đầy tình yêu thương đồng bào, đồng chí. Sự nghiệp vẻ vang và phẩm chất của đồng chí Tôn Đức Thắng sống mãi với cách mạng Việt Nam, với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Từ tấm gương ngời sáng của đồng chí, chúng ta càng vững tin hơn trên con đường độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc Việt Nam đã lựa chọn. Vững vàng với niềm tin đó, chúng ta càng có ý chí quyết tâm, nỗ lực hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các cương vị công tác của mỗi người”, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Nhiều hoạt động kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Cùng ngày 19/8, Liên đoàn Lao động TPHCM và báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Ðức Thắng lần thứ 18 cho 11 kỹ sư, công nhân xuất sắc, có nhiều công trình sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng.

Theo TTXVN, Giải thưởng nhằm tôn vinh, động viên thế hệ công nhân Thành phố giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo; tiếp tục phát huy truyền thống, ý chí, phẩm chất đạo đức cách mạng của người thợ cả Tôn Đức Thắng góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo sâu rộng trong đội ngũ công nhân viên chức lao động.

Giải thưởng Tôn Đức Thắng được tổ chức đầu tiên vào năm 2000, qua 18 năm tổ chức, giải thưởng đã tôn vinh 191 kỹ sư, công nhân có sáng kiến, cải tiến trong công việc. Từ giải thưởng này, nhiều cá nhân đã trưởng thành và giữ nhiều chức vụ cao trong các doanh nghiệp, đơn vị.

Trước đó, sáng 18/8, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo với chủ đề:“Chủ tịch Tôn Đức Thắng với giai cấp công nhân và công đoàn Việt Nam”.

Các phát biểu tham luận tại hội thảo đều khẳng định: Hơn 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã trong lao tù đế quốc, sự khốc liệt của chiến tranh, luôn gắn bó với đồng chí, đồng bào, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dù ở cương vị nào, Chủ tịch luôn là tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần can trường, đức tính giản dị, liêm khiết để các thế hệ noi theo.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã tham gia và lãnh đạo phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XX. Bác Tôn là một hình mẫu của người công nhân Việt Nam về sự uyên thâm nghề nghiệp, tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí tiên phong cùng những cống hiến to lớn, quan trọng đối với giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam./.

Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *