(kontumtv.vn) – Sau 03 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” của Thủ tướng Chính phủ, công tác bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản đạt những hiệu quả nhất định, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.

Chị Y Đuổi (làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) kể, trước kia, công việc bếp núc, dọn dẹp nhà cửa trong gia đình đều do một mình chị gánh vác, nhưng bây giờ, anh A Ék, chồng chị đã biết quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ chị nhiều hơn: “Trong gia đình tôi lúc nào ông chồng tôi cũng luôn luôn giúp đỡ tôi, ví dụ như nấu nước, nấu thức ăn, còn tôi thì nấu cơm. Trong lúc ốm đau thì ông chồng tôi có giúp đỡ, ví dụ giặt giũ cũng có. Cùng nhau chăm lo cho con cái và chăm lo trong cuộc sống hằng ngày. Việc nhỏ việc lớn thì lúc nào cũng bàn bạc và chia sẻ”.

Hai vợ chồng anh A Ék, chị Y Đuổi luôn hoàn thuận, cùng nhau lao động sản xuất, nuôi dạy con cái. Sau nhiều năm tích góp từ việc trồng mì, chăn nuôi bò, cả 2 phấn đấu cuối năm nay sẽ xây dựng một căn nhà mới khang trang. Không những thế, anh A Ék còn mua sắm thêm những vật dụng sinh hoạt trong gia đình để giúp vợ tiết kiệm thời gian và làm việc nhà tiện lợi hơn: “Mình chia sẻ với vợ thì trước tiên là mua một cái bồn nước, máy bơm, thứ hai nữa là mua bếp ga, thứ ba nữa là một cái nồi cơm điện để cho vợ về không phải nhóm lửa để nấu nữa. Sắp tới thì tôi sẽ mua cái máy giặt, tủ lạnh, sắm dụng cụ trong căn bếp nhà mình để hoàn thiện hơn, để cho vợ đỡ vất vả hơn”.

Vợ chồng anh chị A EK vad Y Đuối giúp nhau chăm lo việc gia đình
Vợ chồng anh chị A Ék và  Y Đuối giúp nhau chăm lo việc gia đình

Ông A Thái, thôn trưởng làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết, trước đây, hầu hết công việc nương rẫy, chăm sóc nhà cửa, con cái đều dồn vào tay người phụ nữ, còn nam giới rất ít tham gia vào công việc nhà, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới. Từ khi được tuyên truyền về bình đẳng giới theo Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS, người dân bắt đầu xóa bỏ dần tư tưởng trọng nam khinh nữ vốn đã hằn sâu qua nhiều thế hệ: “Nhờ cái sự tuyên truyền, phối hợp giữa xã với thôn thì các tổ tuyên truyền đã thường xuyên tuyên truyền bà con về bình đẳng giới, thì hiện nay bà con đã nhận thức được bình đẳng giới giữa nam giới và nữ giới. Việc bình đẳng như thế thì nó mang lại hiệu quả, như bây giờ là giữa nữ giới và nam giới thì có những cái tạo điều kiện, về trình độ, năng lực thì cũng không còn so bì nữa”.

          Xã Mô Rai, huyện Sa Thầy là một trong 02 địa phương được lựa chọn làm mô hình điểm và thành lập Câu lạc bộ “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới xã”. Các thành viên tham gia gồm các thành phần lãnh đạo UBND xã, cán bộ tư pháp và văn hóa xã, già làng, trưởng thôn, người có uy tín, chi hội phụ nữ và người dân ở độ tuổi thanh thiếu niên….Số lượng thành viên tham gia Câu lạc bộ là 50 người. Ông A Yer, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy cho biết: “Để thực hiện tốt cái Luật Bình đẳng giới, xã thì cũng đã thành lập mô hình câu lạc bộ năm 2018. Thứ hai là phối hợp với các tổ chức, tập huấn cho các cán bộ cốt cán, như già làng, trưởng thôn và các chi hội trưởng ở các thôn làng. Thứ ba phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân trên địa bàn”.

Không chỉ quanh quẩn làm công việc nhà hay làm nương rẫy, phụ nữ DTTS ngày nay được tạo điều kiện tiếp cận và tham gia các hoạt động xã hội. Từ việc hỗ trợ học tập cho đến bố trí việc làm, giúp phụ nữ có cơ hội phát huy khả năng của bản thân, từng bước xây dựng hình ảnh người phụ nữ văn minh, tiến bộ, góp phần vào sự phát triển của địa phương. Chị Nàng Len, cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi nói: “Khi học ra trường xong được bố trí việc làm tại xã thì tôi cảm thấy rất là mừng và tự hào. Và tôi tự hào hơn nữa tôi là người phụ nữ đầu tiên của làng Brâu được đi làm công việc của nhà nước. Được bố trí việc làm thì tôi cũng rất là mừng”.

Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 – 2025” được triển khai trọng tâm tại địa bàn có ĐBDTTS rất ít người. Theo đó, tỉnh Kon Tum tập trung nguồn lực để đầu tư xây dựng và làm mô hình điểm tại xã Mô Rai của huyện Sa Thầy và xã Pờ Y của huyện Ngọc Hồi, nơi có 02 cộng đồng DTTS rất ít người là Brâu và Rơ Mâm đang sinh sống. Bà Y Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, qua 03 năm triển khai Đề án, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện lồng ghép tuyên tuyền, phổ biến, vận động bà con vùng DTTS thực hiện pháp luật, chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Đồng thời, định hướng cụ thể nội dung, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp và cung cấp các tài liệu, sản phẩm, tờ rơi, pa nô cổ động, tuyên truyền…Tổng kinh phí thực hiện đề án từ năm 2018 đến nay là 500 triệu đồng. Bà Y Hằng nói: “Trước tiên thì cần làm thay đổi cái nhận thức một cách căn bản, sâu sắc rằng bình đẳng giới và tiến bộ xã hội không chỉ là vấn đề của phụ nữ, mà đây là vấn đề của cả hệ thống chính trị. Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển xã hội và nâng cao năng lực kinh tế cho phụ nữ DTTS phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán của địa phương, khắc phục cái tư tưởng tự ti, an phận, dám thay đổi nếp nghĩ, cách làm phù hợp với thời đương đại”.

Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục truyền thông về phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ. Đồng thời, động viên, khích lệ và ghi nhận sự tham gia đóng góp của phụ nữ trong tự quản và phát triển cộng đồng. Cùng với đó là nâng cao vị thế và tạo cho phụ nữ cơ hội bình đẳng trong tiếp cận, tham gia và hưởng thụ vào các thành quả phát triển của xã hội.

Hơ Jan – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *