(kontumtv.vn) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đã rõ ràng, Chính phủ đã thể hiện rõ quyết tâm “vì doanh nghiệp, vì người dân” nhưng để đạt được mục đích thì chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội cần phải làm những công việc gì?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – bài học thực tiễn từ Israel”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo về đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã dự Hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – bài học thực tiễn từ Israel”. Sự kiện này do UBND TP. Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Tập đoàn FPT đồng tổ chức.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu là lãnh đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, các trường Đại học, Viện nghiên cứu, các hiệp hội doanh  nghiệp, Quỹ đầu tư và các nhóm startup như Dragon Capital, FPT Venture, IDG, Cyber Agent, Unitus Impact…

Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đã tổ chức sự kiện quan trọng này trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp-sáng tạo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chủ trương coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp là chủ trương thường xuyên, nhất quán của Đảng”; vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân đã được hiến định tại Khoản 3, Điều 51, Hiến pháp 2013: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, trong đó gần đây là Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020, đặt mục tiêu tới năm 2020 cả nước ta có 1 triệu doanh nghiệp (hiện nay mới có trên 500.000 doanh  nghiệp). Trong kỳ họp Quốc hội tới, Chính phủ cũng trình Quốc hội dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều nội dung quan trọng.

“Như vậy chủ trương của Đảng là rõ ràng, Chính phủ, các bộ, ngành cũng thể hiện quyết tâm vì doanh nghiệp rồi và điều còn lại là Việt Nam phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương và chính sách đó đi vào cuộc sống?”, Phó Thủ tướng đặt vấn đề với các đại biểu tham dự hội thảo.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam là nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, vì vậy phải nghiên cứu, học tập, vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước. Trong lĩnh vực khởi nghiệp-sáng tạo, Israel được coi là một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới và Việt Nam cần học tập cả về lý luận, thực tiễn của quốc gia này.  Do vậy, hội thảo là cơ hội tốt cho các cơ quan của Chính phủ, TP. Hà Nội nghiên cứu các thể chế và chính sách, cả về cấp vĩ mô và vi mô hỗ trợ kinh tế nói chung và khởi nghiệp-sáng tạo nói riêng; góp phần trả lời câu hỏi Chính phủ, Trung ương cần làm gì, Hà Nội phải làm gì để đẩy mạnh hơn phong trào khởi nghiệp, để thành lập nhiều DN hơn, số lượng DN phải giải thể ít đi và số lượng DN hoạt động có hiệu quả ngày càng tăng lên.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn TP. Hà Nội có thể trở thành nơi thí điểm các thể chế chính sách để trở thành trung tâm khởi nghiệp của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ nêu lên bức tranh tổng quan về khởi nghiệp tại Việt Nam và hệ thống hành lang pháp lý để doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, kinh nghiệm của quốc tế trong xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút và tổ chức các Quỹ đầu tư tài chính mạo hiểm hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp…

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Quỹ Tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISSA) chính thức ra mắt website và tuyển các khởi nghiệp công nghệ (startup) trong khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, trong vòng 1 tháng, từ hôm nay tới 20/10, các startup sẽ đăng ký và nộp hồ sơ tại website www.viisa.vn. VIISA sẽ tiến hành lựa chọn các startup để đi vào vòng đào tạo và lựa chọn 10 startup để rót vốn từ 15.000 USD cho đến 5% giá trị định giá công ty trong suốt quá trình đào tạo và đến khi tốt nghiệp. Ngoài ra, 10 startup này cũng được hỗ trợ về văn phòng, nguồn lực kỹ thuật, dịch vụ kế toán, tài khoản ngân hàng.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *