(kontumtv.vn) – Quyền điều tra của tòa án sớm ngay từ đầu trong hoạt động tố tụng, xét xử trở thành nội dung gây tranh cãi tại phiên họp của UBTVQH sáng 23/9 liên quan dự thảo luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi.

Các quy định được cơ quan soạn thảo dự thảo theo hướng toà án phải có thẩm quyền cao nhất trong hoạt động tố tụng, xét xử, phải tự tham gia điều tra, kiểm tra án ngay từ đầu để có thể xác định được công tác điều tra, truy tố trước khi chuyển hồ sơ sang toà xem có đúng hay không, chứ không phải nhận cáo trạng, thấy chưa ổn mới trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại.

luật Tổ chức tòa án nhân dân, tòa án
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Minh Thăng

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu làm rõ quy định trên khi cho rằng, việc tham gia của tòa án ngay từ đầu làm giẫm chân cơ quan khác, cũng như không thể đảm bảo ở giai đoạn này đủ hồ sơ để ngăn chặn quá trình hủy án nếu thực sự có vấn đề. Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đồng tình quan điểm tòa án không thể tham gia ngay từ đầu vì tòa chỉ có thể quyết định khi có đầy đủ hồ sơ cũng như việc tập trung quyền lực cao khó đủ sức cho tòa án đảm đương.

Các ý kiến cho rằng, có thể theo hướng tòa án có hai quyền: yêu cầu bổ sung nếu thấy hồ sơ không có vấn đề gì quá lớn và tự điều tra, xem lại nếu thấy có vấn đề chứ không trả lại hồ sơ. Việc chủ động điều tra để đảm bảo nguyên tắc độc lập xét xử, trách nhiệm của toà án trong việc phán quyết sau cùng.

Lật lại vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn bị trả lại hồ sơ nhiều lần, hay gần đây là vụ án Huỳnh Văn Nén đang được kháng nghị, Chủ tịch QH bất bình: “Có dấu chân tại hiện trường, kích cỡ lệch nhau như vậy mà cơ quan điều tra còn không cần so lại với nghi phạm, không đo đạc, đối chiếu mà vẫn xử, để xảy ra oan sai, tù tội hơn 14 năm nay với một con người”.

Để đảm bảo tính xét xử độc lập, ông Nguyễn Sinh Hùng lưu ý hai vấn đề: đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại tòa và quyền im lặng của bị cáo, bị can, người bị bắt giữ. “Chánh án tối cao có kiểm tra xem cả nước có trường hợp nào mà thẩm phán xử lại phải báo cáo án với Chánh án toà cấp trên như dư luận phản ánh không? Khi chưa thấy đủ điều kiện để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng thì có mở toà không? Người bị can bị cáo có quyền im lặng cho tới lúc có luật sư? “Nếu không đảm bảo những điều đó thì toà không thể công bằng, không thể là người bảo vệ công lý được” – – Chủ tịch QH nói.

Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình cho hay, vấn đề đảm bảo nguyên tắc tranh tụng: tranh tụng sẽ được cụ thể hoá trong các luật tố tụng nhưng đầu tiên phải xác định chức năng nhiệm vụ của bộ máy toà án, kiểm sát… thì luật mới điều chỉnh theo hướng đó, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng theo tinh thần Hiến pháp. Riêng nói về hình sự, khi toà nhận hồ sơ của VKS chuyển sang thì vẫn có quyền trả yêu cầu điều tra bổ sung nhưng thực tế cũng có trường hợp trả mà không bổ sung được gì. Qua 2 lần trả thì tòa phải xử.

Cũng có trường hợp xử có dấu hiệu phạm tội nhưng không chứng minh được thì toà có thể tuyên không có tội. Khi đó các cơ quan tố tụng phía dưới phải chịu trách nhiệm. Ông đề nghị để toà có quyền kiểm soát trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tác động đến quyền con người, quyền công dân. Quá trình thực hiện tố tụng là gửi ra toà để thực hiện quyền tố tụng của mình. Đến giai đoạn toà thụ lý, nếu thấy các yếu tố không đảm bảo tranh tụng thì trả hồ sơ, nếu thấy mở phiên toà không ổn thì toà cũng yêu cầu điều tra bổ sung còn nếu phát hiện tội phạm mới trong quá trình điều tra truy tố thì toà yêu cầu các cơ quan khởi tố, phát hiện trong quá trình xét xử thì toà trực tiếp khởi tố.

Về sự độc lập của thẩm phán, ông nhấn mạnh đây là nguyên tắc hiến định. Hiến pháp 2013 đã quy định rõ và được thể hiện trong luật tới đây để có cơ chế pháp luật tiếp tục đảm bảo thẩm quyền này. Tuy nhiên cũng cần hài hòa nguyên tắc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

Chưa dám quy định quyền im lặng

Đề cập quyền im lặng của bị cáo, bị can, người bị bắt giữ, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hoà Bình lý giải đó là vấn đề lớn, nhiều nước đã áp dụng nguyên tắc này nhưng ở Việt Nam còn tranh luận chưa ngã ngũ. Ông đề nghị UBTVQH cho định hướng về việc này vì hiện tại đang có xung đột lớn về quan điểm, cơ quan điều tra không muốn áp dụng nguyên tắc này còn giới luật sư lại ủng hộ. Ý kiến quá khác nhau nên cơ quan soạn thảo luật Tố tụng hình sự đến giờ vẫn chưa dám đưa vào.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng không đồng ý với bình luận này của Viện trưởng VKSNDTC khi nhấn mạnh đây không phải là đề nghị của luật sư mà phải căn cứ vào Hiến pháp để thể hiện, để luật sư được tham gia vụ án ngay từ đầu cùng tham gia thu thập chứng cứ, lắng nghe thân chủ để có căn cứ bào chữa….

“Không phải là tạo điều kiện thuận lợi mà là buộc phải tạo điều kiện thuận lợi để luật sư tham gia chứ có ai cho luật sư tuyên án đâu” – ông nói.

Về tinh thần chung của dự thảo luật, báo cáo giải trình, chỉnh lý luật Tổ chức TAND của UBTVQH nhấn mạnh vấn đề cơ chế tổ chức, quản lý của toà án để đảm bảo tính độc lập trong xét xử. Đa số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật giao TAND tối cao quản lý các tòa án về tổ chức. Tuy nhiên, các ý kiến này cho rằng dự thảo luật chưa làm rõ cơ chế quản lý như thế nào để bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử; chưa làm rõ cơ chế TAND tối cao phối hợp với HĐND quản lý tòa án như thế nào.

Có ý kiến đề nghị thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia để quản lý tòa án. Ý kiến khác đề nghị giao Chính phủ quản lý, bảo đảm cho tòa án độc lập. UBTVQH tán thành với ý kiến của đa số ĐBQH là tiếp tục giao TANDTC quản lý các toà án. Việc thành lập Hội đồng tư pháp quốc gia được đánh giá là vấn đề mới. TVQH đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể để tách bạch hoạt động quản lý về tổ chức với hoạt động xét xử để bảo đảm quản lý không ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của tòa án các cấp.

Linh Thư/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *