(kontumtv.vn) – Với quyết tâm ngăn chặn nạn tảo hôn và tình trạng hôn nhân cận huyết thống, nhiều chương trình, đề án về tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về sức khỏe cộng đồng đã được triển khai tại tỉnh Kon Tum. Qua đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống từng bước bị đẩy lùi.

Mỗi tháng một lần, Câu lạc bộ pháp luật tại thôn Đăk Ga (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei) lại sinh hoạt tại nhà rông của làng. Thông qua sinh hoạt, bộ đội biên phòng cùng cán bộ tư pháp xã tuyên truyền về pháp luật, giải đáp những thắc mắc của người dân về quy chế biên giới, về Luật Cư trú, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hôn nhân và gia đình. Sau 3 năm hoạt động, số thành viên trong Câu lạc bộ tăng dần và các buổi sinh hoạt ngày càng chất lượng hơn. Nhờ vậy, nhận thức về pháp luật của bà con làng Đăk Ga nói chung và ở xã Đăk Nhoong nói riêng từng bước được nâng cao. Bà Trần Thị Tâm, cán bộ tư pháp xã Đăk Nhoong nói: “Từ khi có bộ đội biên phòng vào cuộc trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp mảng tư pháp chúng tôi thực hiện theo đúng pháp luật, hạn chế  vi phạm pháp luật trong đăng ký kết hôn, giảm thiểu và chấm dứt được nạn tảo hôn”.

Tuyên truyền chống tảo hôn và hôn  nhân cận huyết thống
Tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Do quan niệm lạc hậu nên việc tảo hôn, quan hệ hôn nhân khi chưa đủ tuổi trưởng thành và tình trạng hôn nhân cận huyết thống, kết hôn trong dòng tộc đã diễn ra tại nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Hệ lụy là sức khỏe sinh sản bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo đó, tỉ lệ chết mẹ khi sinh, chết con sơ sinh hay trẻ bị dị tật trong các cộng đồng có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tăng cao. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền tỉnh Kon Tum và sự chung tay của cộng đồng trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã giúp nhận thức trong cộng đồng người DTTS trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cao. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm mạnh khi tỉnh Kon Tum triển khai Đề án tuyên truyền, giáo dục giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Hà Hồng Duy, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum nói: “Thông qua tuyên truyền, giáo dục pháp luật và công tác khác của ngành Dân số, trong 3 năm trở lại đây hôn nhân cận huyết thống đã cơ bản chấm dứt. Về tảo hôn, số trẻ vị thành niên, thiếu niên  trong độ tuổi từ 12-15 đã cơ bản chấm dứt, trong độ tuổi từ 16-17 đã giảm mạnh. Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu cho tỉnh phối hớp các ngành lên quan tiến hành rà soát, khoanh vùng, chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án trong các tầng lớp nhân dân để giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”.

Từ chỗ sống khép kín, không giao lưu với những dân tộc khác, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng Brâu và Rơ Măm khá phổ biến. Hệ lụy là tình trạng trẻ chết non, dị tật trong 2 cộng đồng này tăng cao, nguy cơ suy thoái giống nòi ngày một lớn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, cộng đồng Brâu và Rơ Măm từng bước định canh, định cư, được hỗ trợ phát triển sản xuất, được tuyên truyền, phổ biến pháp luật để tránh nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ vậy, nguy cơ suy thoái giống nòi được đẩy lùi, tuổi thọ bình quân của 2 dân tộc Brâu và Rơ Măm từ dưới 60 tuổi tăng lên 66 tuổi. Tình trạng tảo hôn dần giảm và hôn nhân cận huyết thống được ngăn chặn từ năm 2012 đến nay. Già làng A Long (làng le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) nói: “Con tôi giờ đi lấy chồng, lấy vợ làng khác, không lấy trong dòng họ. Nhờ tuyên truyền của Nhà nước về tảo hôn, kết hôn, bình đẳng giới  nên các em đã hiểu lấy chồng làng xa, sinh con nào đạt con nấy, đảm bảo sức khỏe, ăn học đầy đủ”.

Kết quả đạt được trong giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum là khả quan. Tuy nhiên, để ngăn chặn triệt để tình trạng hôn nhân cận huyết thống và để đạt được mục tiêu không còn tình trạng tảo hôn, đòi hỏi cần có sự vào cuộc, chung tay mạnh mẽ hơn của các cấp, ngành, địa phương, của cộng đồng và từng gia đình. Bên cạnh đó, việc kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm cũng là biện pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh.

                                                Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *