(kontumtv.vn) – Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, kết cấu hạ tầng và đời sống của nhân dân các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã có sự chuyển biến rõ nét. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei là một trong những xã trọng điểm đặc biệt khó khăn. Được sự đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, diện mạo xã đã có nhiều đổi thay, đường giao thông nông thôn đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân. Từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và sự nỗ lực của người dân, đến nay xã có hơn 130 ha lúa nước, 70 ha cà phê, hơn 30 ha bời lời… mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.Ông A Kim, Chủ tịch UBND xã Đăk Blô nói: “Trong những năm qua xã đã đạt được một số kết quả, đến nay hộ nghèo còn 108 hộ. Với đặc thù của xã, chúng tôi hiện nay quan tâm nhất là phát triển cây cà phê, bời lời và một số loại cây con giống khác. Đặc biệt vùng này khí hậu lạnh, nên chúng tôi quan tâm về giống trâu để bà con chăn nuôi, tạo thêm thu nhập”.

Cuộc sống vùng sâu Đak Glei
Kinh tế – xã hội vùng sâu Đăk Glei ngày càng phát triển

Huyện Đăk Glei có 4 xã trọng điểm đặc biệt khó khăn là Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp, Đăk Blô được hưởng một số chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh Kon Tum khóa X. Ngoài nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết cho mỗi xã khoảng 3,5 tỷ đồng/năm để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, huyện Đăk Glei còn lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ của Trung ương và địa phương tập trung hỗ trợ cho các xã như Chương trình 135, 102, chính sách hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh của tỉnh, chương trình định canh, định cư theo Quyết định 33… để đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Qua đó, giúp nhân dân nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống. Ông A Hút (thôn Xốp Dùi, xã Xốp) nói: “ Năm 2012, Nhà nước hỗ trợ 1.000 cây, mình tự mua thêm là 2.000 cây cà phê catimo. Năm nay đã thu hoạch được 4 tấn cà phê, mình bán  được 10 triệu đồng, để mua phân bón và dự trữ lúc đau ốm”.

Ngoài ra lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được huyện quan tâm đầu tư. Đến nay hệ thống trường lớp và các trạm y tế ở các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn đã đáp ứng được nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của nhân dân. Thầy giáo Bùi Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS xã Đăk Blô cho biết: “Được sự quan tâm của chính quyền xã, trường đã được xây dựng mới 6 phòng học. Phòng Giáo dục đầu tư xây khu nhà ở cho cán bộ, giáo viên; hệ thống nước sạch cũng được UBND xã quan tâm đầu tư. Chất lượng học sinh so với những năm trước có sự tiến bộ rõ rệt, đặc biệt việc duy trì sĩ số học sinh những năm gần đây luôn đạt 100%”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đăk Glei lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 3 đến 4%/năm,  tranh thủ mọi nguồn lực, xây dựng huyện Đăk Glei ổn định và phát triển. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể nhằm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống, trong đó chú trọng đầu tư cho các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn. Bà Y Thanh, Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei nói: “Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định về kinh tế huy động tất cả các nguồn lực đầu tư tại địa phương và thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là đầu tư cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa để xóa đói giảm nghèo theo như mục tiêu đã đề ra. Thứ hai là phát triển về nông nghiệp, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và vận động bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Ngoài việc tập trung hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện Đăk Glei còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, vận động hộ nghèo ở các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn chủ động phấn đấu vươn lên vượt qua đói nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; phấn đấu đưa các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn phát triển kịp với các xã vùng thuận lợi trên địa bàn huyện.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *