(kontumtv.vn) – Được triển khai tại tỉnh Kon Tum từ năm 2016, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSat đã giúp người nông dân thay đổi nhận thức trong canh tác cây cà phê theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động lên môi trường. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, viết tắt là VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ chính, với tổng số vốn tương đương khoảng 301 triệu USD, thực hiện từ năm 2015 – 2020. Tại Kon Tum, dự án được triển khai từ năm 2016 tại 17 xã của 3 huyện là Đăk Hà, Đăk Glei và Kon Plông, quy mô 3.300 ha cà phê và hơn 4.100 hộ tham gia. Ông Đoàn Năng Rường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSat tỉnh Kon Tum nói: “Chúng tôi đã chuyển đổi nhận thức bà con canh tác bền vững. Cái thứ hai là vấn đề đầu tư chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất cũng như giá trị của sản phẩm. Vấn đề nữa là liên kết với các tổ chức, các doanh nghiệp thu mua và chế biến cà phê, phần nào đó đã nâng cao giá trị của cây cà phê”.

Sản xuất cà phê bền vững
Sản xuất cà phê bền vững

Bên cạnh việc tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ các hạ tầng thiết yếu, Dự án VnSat còn thúc đẩy thành lập các tổ chức nông dân như hợp tác xã, tổ hợp tác, và kết nối các tổ chức này với doanh nghiệp. Ông Võ Xuân Hường, Tổ hợp tác Phát triển cà phê bền vững Bình Minh, huyện Đăk Hà cho biết: “Khi Dự án Chuyển đổi cà phê bền vững về cho nông dân họ rất phấn khởi vì người ta đã nhận thức được kiến thức khoa học kỹ thuật từ các công đoạn từ tái canh, tưới nước, chăm sóc, phân bón các thứ như trong hạng mục chăm sóc cây cà phê, bà con nắm được kiến thức cơ bản”.

Qua 4 năm triển khai Dự án, đã có hàng ngàn lượt nông dân được tập huấn, đào tạo kiến thức về sản xuất cà phê bền vững. Dự án cũng đã thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê bền vững. Hỗ trợ cho người dân công nghệ tưới nước tiết kiệm. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, Dự án còn hỗ trợ xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường giao thông, nhà kho, sân phơi…

HTX nông nghiệp Công Bằng Pô Kô Farms là 1 trong 3 HTX được thụ hưởng từ Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại tỉnh Kon Tum. Đây cũng HTX chuyên sản xuất cà phê sạch và cũng là HTX đầu tiên có chứng nhận HTX nhận Thương mại công bằng trong nông nghiệp ở Kon Tum. Ông Dương Văn Bằng,  HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô Farms nói: “Dự án đã hỗ trợ cho nông dân chúng tôi rất nhiều, thứ nhất là được Dự án tập huấn cho bà con tổ chức sản xuất cà phê bền vững; thứ hai là hỗ trợ cho HTX chúng tôi làm dự án cơ sở hạ tầng để sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao những năm tiếp theo. Từ khi được Dự án hỗ trợ đã nâng được rất nhiều lợi nhuận từ khâu sản xuất cà phê bền vững, bà con hiểu và nắm được cách sản xuất cà phê bền vững, cách bón phân hợp lý. Trong sản xuất nắm được quy trình sản xuất bền vững, qua đó năng suất đội lên, đưa lại lợi nhuận lớn cho người nông dân”.

Năm 2020, năm cuối cùng của Dự án theo kế hoạch, Dự án sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở thiết yếu phục vụ cho người nông dân trồng cà phê như hỗ trợ làm đường đi khu sản xuất, xây dựng sân phơi, nhà kho;  xây dựng các mô hình trình diễn tái canh cây cà phê…với mục tiêu cuối cùng là tạo ra sự thay đổi hoàn toàn của người dân về sản xuất, canh tác cà phê bền vững, nâng cao giá trị của cây cà phê và bảo vệ môi trường.

Như Nguyệt – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *